Trên thế giới này, vũ khí quân sự để phục vụ chiến tranh của các quốc
gia, dân tộc đều có những bản sắc rất riêng. Bản sắc đặc trưng đó hình
thành và phát triển từ lý thuyết (philosophy) và chiến lược (strategy)
quân sự của từng quốc gia, dân tộc trong từng thời kỳ khác nhau.
Vũ
khí của quân đội Mỹ thời hiện đại có đặc trưng nổi bật là nhiều chức
năng, nhiều tác dụng, dựa vào ưu thế chiều sâu. Đặc trưng đó xuất phát
từ lý thuyết quân sự dùng ưu thế công nghệ với chất lượng áp đảo ưu thế
số lượng của địch thủ. Điều này càng đặc biệt đúng với học thuyết quân sự Rumsfeld
mà quân đội Hoa Kỳ đang áp dụng. Trong khi vũ khí của Trung Quốc và
Liên Xô / Nga, bắt nguồn từ thực tiễn đất rộng người đông, tài nguyên,
nguồn lao động dồi dào, và các lý luận quân sự của Mao Trạch Đông và
Stalin, mà đường lối quốc phòng của họ từ trước đến nay nghiêng về phát
huy ưu thế chiều rộng.
Việt Nam có diện tích đất liền nhỏ hơn
một tiểu bang của Mỹ, nhỏ hơn một tỉnh của Trung Quốc và Nga. Nhưng Việt
Nam lại có vị trí chiến lược địa chính trị, địa kinh tế đặc biệt trọng
yếu trong khu vực và thế giới. Đất nước Việt Nam được thiên nhiên ưu
đãi, tài nguyên và nguồn lao động dồi dào. Chính vì lẽ đó nước ta hàng
ngàn năm nay, từ cổ đại, trung đại, cận đại đến hiện đại và ngày nay
luôn bị nhiều thế lực mạnh khắp bốn phương tám hướng dòm ngó, "rình
rập", chực chờ cơ hội để tìm cách nhảy vào trục lợi, hay cao nhất là xâm
lược chính trị quân sự.
Ngay từ hàng ngàn năm trước, công cuộc
dựng nước của dân tộc Việt Nam luôn gắn liền với quá trình giữ nước.
Trải qua bao thế kỷ chống ngoại xâm, người Việt Nam đã sớm biết chế tạo,
sử dụng và phát triển vũ khí để chống các thế lực thù địch cướp nước và
bán nước. Từ đó hình thành một bản sắc đặc thù của vũ khí Việt Nam, với
đầy những nét riêng phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam. Những vũ
khí có những đặc sắc riêng thì Việt Nam có nhiều, nhưng trong đó cũng có
ít vũ khí thật sự "không giống ai", không ai có hoặc rất hiếm ai có.
Bài viết này xin giới thiệu 5 loại vũ khí "không giống ai" này. Góp phần
vào công cuộc truyền tải cảm hứng và thông tin về lịch sử nước nhà.
1. Nỏ thần
Ảnh minh họa
Nỏ
thần là gọi là theo huyền thoại dân gian. Các nhà khảo cổ, khoa học, sử
học gọi vũ khí này là "nỏ liên châu". Một số học giả, nhà nghiên cứu
còn gọi là "nỏ liễu" hoặc "nỏ liễn", họ cho rằng đó chính là cách gọi
thời xưa của dân ta dựa trên một số tài liệu, tư liệu, thư tịch cổ.
Ví
dụ như sách Việt Sử Lược thời Trần ghi rằng Cao Lỗ đã làm được "nỏ
liễu", mỗi lần giương nỏ bắn ra được mười phát tên, và mỗi lần giương nỏ
ra thì quân giặc sợ khiếp vía. Hay thế phả họ Cao ở Nghệ An ghi rằng
thủy tổ của họ chính là Cao Lỗ, gốc Ngòi Sảo, Bắc Ninh, đã chế tạo ra
"nỏ liễn".
Lẫy nỏ
Theo
góc nhìn kỹ thuật quân sự thì nó chính là một loại nỏ cơ giới, nỏ máy
sơ khai, có thể bắn được nhiều mũi tên cùng lúc. Để tạo ra được hiệu quả
đó, Lạc hầu (không phải Lạc tướng) Cao Lỗ đã dùng kỹ thuật chế ra lẫy
nỏ có chốt giữ liên hoàn. Để một lúc bật lẫy nỏ cho nhiều mũi tên cùng
bay ra, các nhà nghiên cứu hiện đại đã suy ra Cao Lỗ đã làm rộng thân
nỏ, xẻ chéo nhiều rãnh, đặt những mũi tên chụm lại để khi bật lẫy, mũi
tên theo rãnh bay đi.
Nỏ máy này được Cao Lỗ chế tạo dưới thời Âu
Lạc và triều đình Thục An Dương Vương, vua đặt tên là Linh Quang Kim
Trảo Thần Nỏ. Trong thời kỳ khoa học công nghệ kỹ thuật còn chưa phát
triển, Linh Quang Kim Trảo Thần Nỏ của người Việt cổ được nhiều chuyên
gia đánh giá là "cỗ súng máy hiện đại". Các Lạc tướng Âu Lạc đã huấn
luyện hàng vạn binh sĩ ngày đêm tập bắn nỏ. Vua An Dương thường xem tập
bắn trên "Ngự xa đài", dấu vết này nay vẫn còn (góc đông bắc ngoài thành
nội).
Một phần nỏ được khai quật
Bên
cạnh phát hiện lẫy nỏ, hàng vạn mũi tên đồng cũng đã đào được ở Cầu
Vực, sát chân thành ngoại Cổ Loa. Kho mũi tên đồng với hàng vạn chiếc,
trọng lượng gần 110 kg. Đây là loại mũi tên ba cạnh, ba cánh đều nhau,
có trụ thân, có chuôi, có họng tra cán và kích thước lớn, được chế tạo
hoàn hảo, sắc nhọn. Mỗi mũi tên còn được cắm thêm chuôi bằng tre dài
khoảng 1m, làm cân đối trọng lượng để tên bay xa và khả năng sát thương
lớn. Tên ba cạnh là loại tên rất đặc thù Việt cổ, có tác dụng làm địch
mau tóe ra máu, gây cho chúng bị hoảng loạn tinh thần dễ đi đến vỡ trận.
Khác với các mũi tên Trung Hoa chỉ có hai cạnh.
Tên đồng
Có
chiếc lẫy nỏ được phát hiện gồm nhiều bộ phận như hộp cò, lẫy cò, hai
chốt và thước ngắm. Gần đây, nhóm nghiên cứu của Bảo tàng lịch sử Quân
sự Việt Nam và Trung tâm nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á cùng với các nghệ
nhân ở Hòa Bình đã phục dựng thành công mô hình chiếc nỏ Cao Lỗ sáng
chế, tuy có lẽ chưa được hoàn chỉnh như nỏ thần bản gốc.
PGS Lê
Đình Sỹ, nguyên Viện phó Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam đã cho biết:
"Điều quan trọng nhất để tạo nên sức thần của nỏ liên châu là Cao Lỗ đã
biết kỹ thuật chế ra những chiếc lẫy nỏ có chốt giữ liên hoàn để một lần
bóp cò bắn ra nhiều mũi tên có sức xuyên tốt, vừa giết giặc vừa làm
chúng khiếp sợ, đội ngũ rối loạn, tan rã. Đó là điều kỳ diệu bí mật của
thứ binh khí thần diệu này."
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và Trung tâm nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á phục dựng mô hình nỏ thần năm 2009
Trong
hội thảo khoa học "Danh tướng Cao Lỗ thời dựng nước", với tham luận
"Danh tướng Cao Lỗ với việc chế tạo, sử dụng vũ khí cung nỏ thời An
Dương Vương", do Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, UBND tỉnh Bắc Ninh và Hội
Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức, chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tóm
lược: Cao Lỗ Vương là danh tướng đã giúp vua Thục Phán An Dương Vương
dựng nên nhà nước Âu Lạc, hiến kế dời đô xuống đồng bằng và giúp vua xây
dựng thành Cổ Loa, chế nỏ liên châu một lần bắn ra nhiều mũi tên. Đây
được xem là nỏ thần, thứ vũ khí thần dũng, vô địch để giữ nước với lời
nói được truyền tụng "giữ được nỏ thần sẽ giữ được thiên hạ, mất nỏ thần
sẽ mất cả thiên hạ". Cao Lỗ có tầm nhìn xa, tỉnh táo và đầy cảnh giác,
đầy bản lĩnh để can ngăn nhà vua không sa vào quỷ kế của kẻ thù, dù rằng
vì điều đó mà bị vua xa lánh. Nhưng khi đất nước bị xâm lược, Tổ quốc
lâm nguy, Người lại ra phò vua, cứu nước, tử tiết để lại danh thơm muôn
thuở cho hậu thế.
Chủ tịch nước nói và khẳng định, danh tướng Cao
Lỗ là một vị tướng, biểu tượng của bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt
Nam trong thời đầu giữ nước, được nhân dân sùng kính, thờ phụng ở nhiều
nơi trong suốt hàng nghìn năm lịch sử.
Số phận của loại vũ khí này:
Tác
dụng của nỏ liên châu thực chất là để bù đắp cho quân đội sự thiếu hụt
về số lượng chiến binh (xạ thủ) và vũ khí (cung nỏ). Nó còn có tác dụng
gây hoang mang tinh thần cho những tên lính địch yếu bóng vía khi lần
đầu tiên thấy loại vũ khí mới lạ này. Thời cổ đại ta dùng nó được. Nhưng
đến thời trung đại trở đi thì loại nỏ này không cần thiết nữa và cũng
không phát huy tác dụng nhiều nữa. Bởi vì đến thời trung đại dân số và
quân số Đại Việt ngày càng đông hơn. Một nhóm xạ thủ vài chục người mỗi
người dùng 1 chiếc nỏ thường vẫn bắn tốt, nếu không nói là tốt hơn, bắn
chính xác hơn, và có tính linh hoạt cao hơn, tận dụng được năng lực quân
sĩ tốt hơn là sử dụng nỏ liên châu. Lại đỡ tốn kém hơn, giá thành chế
tạo một chiếc nỏ liên châu đắt hơn nhiều so với nỏ thường. Nó liên châu
còn nặng hơn, khó sử dụng hơn, phải chuẩn bị tốn thời gian hơn và nạp
tên lâu hơn nỏ thường. Người dùng nỏ thường dễ huấn luyện hơn người dùng
nỏ liên châu.
Hỏa tiễn
Tương
truyền thời nhà Lý người ta có thử phục dựng và dùng lại nỏ liên châu
trong một số thời điểm khi đánh dẹp trong nước, có kết hợp với mũi tên
có kèm theo thuốc nổ làm từ lưu quỳnh và các hóa chất khác, gọi là "hỏa
tiễn" (tên lửa) hoặc "lôi tiễn" (mũi tên sấm sét). Đó là một loại mũi
tên đặc biệt, được sử dụng khá sớm ở Đại Việt, được cho là có từ thời
Lý. Đây là một mũi tên bằng sắt có kích thước lớn hơn mũi tên thông
thường, có gắn ống đựng thuốc súng. Hỏa tiễn được đặt trong ống phóng,
khi khai hỏa đốt đầu ngòi thì thuốc lửa cùng tên sắt sẽ phóng đi với tốc
độ cao và tầm bắn lớn. Mức độ sát thương là rất mạnh.
Nhưng nỏ
liên châu đến thời đó chỉ còn mang tính biểu diễn, dọa địch chứ không
còn hiệu quả thực chiến cao. Không còn nhiều chỗ dùng cho nó và nó thất
truyền dần. Nhất là khi dân trí cao hơn theo thời gian và rút kinh
nghiệm, thì binh sĩ các phe không còn bị hù dọa bởi các loại vũ khí
trông hoành tráng này nữa, mà vẫn bình tĩnh ứng chiến.
2. Cọc ngầm
Ảnh minh họa cọc Bạch Đằng
Với
"công thức" cắm cọc lúc thủy triều xuống thấp, khiêu chiến địch lúc
thủy triều dâng cao, và dụ địch đi vào trận địa mai phục khi thủy triều
xuống thấp trở lại, khiến tàu chiến địch bị va đập vào cọc nhọn, vỡ
trận, bị đánh tan, những chiếc cọc trên sông đã trở thành thứ vũ khí
thủy chiến đặc thù Việt Nam mà không ai có.
Vũ khí này lịch sử đã
chứng minh rằng nó chỉ phát huy tác dụng và đưa đến thắng cuộc nếu tính
toán chuẩn xác và vận dụng thành công được thủy triều, tính toán đúng
thật chính xác chu kỳ, thời gian, thời điểm lên xuống của mặt nước. Và
chỉ có người dân địa phương, đặc biệt là ngư dân, mới tính toán chính
xác được. Do đó yếu tố lòng dân là rất quan trọng khi sử dụng loại vũ
khí này. Có thể nói vũ khí này chỉ dùng được trong một cuộc chiến tranh
nhân dân.
Năm 938, lần đầu tiên những chiếc cọc vùi thây quân xâm
lược là khi thủy quân Nam Hán tấn công nước ta qua ngả sông Bạch Đằng.
Danh tướng Ngô Quyền đã huy động quân dân lấy gỗ đẽo thành cọc vát nhọn,
bịt sắt cắm đầy lòng sông Bạch Đằng ở những chỗ hiểm yếu gần cửa biển
tạo thành một trận địa ngầm, hai bên bờ đặt sẵn phục binh.
Khi
nước triều lên ngập bãi cọc, Ngô Quyền dụ quân giặc từ vịnh Hạ Long vào
sông Bạch Đằng rồi trá bại bỏ chạy. Đến khi nước triều rút, ông hạ lệnh
cho toàn quân đánh quật mạnh khiến đoàn thuyền địch hốt hoảng tháo chạy.
Đến gần cửa biển thì chúng sa vào bãi cọc nhọn, bị vỡ và bị đắm gần hết
và nhận phải nhận lấy kết cục thảm bại, toàn quân tan rã.
Ảnh minh họa
Năm
1077, quân dân nhà Lý dưới sự chỉ huy của danh tướng Lý Thường Kiệt, đã
xây dựng phòng tuyến Như Nguyệt, dựa vào địa lý hiểm trở quanh sông Như
Nguyệt (còn gọi là sông Cầu). Dưới bãi sông được bố trí các cọc tre
ngầm tạo thành một tuyến phòng ngự hết sức vững chắc.
Quân Lý
đóng thành từng trại trên suốt chiến tuyến, quan trọng nhất là ba trại ở
Như Nguyệt, Thị Cầu, Phấn Động. Mỗi trại binh có thể có thêm thủy binh
phối hợp. Quân chủ lực do chính Lý Thường Kiệt chỉ huy đóng ở phủ Thiên
Đức, một vị trí có thể cơ động chi viện nhiều hướng và khống chế mọi ngả
đường tiến về Thăng Long, ngăn giặc tiến về kinh đô.
Kết quả là
quân Nam đã chặn đứng được quân Tống, gây cho chúng những tổn hại nặng
nề, chúng không thể tiến thêm một bước nào và buộc phải rút quân về
nước, kết thúc cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ 2 của quân dân Đại
Việt.
Cọc gỗ Bạch Đằng năm 1288 của thủy quân Trần Hưng Đạo tại xã Yên Giang, Yên Hưng, Quảng Ninh (phát hiện năm 1959).
Năm
1288, thiên tài quân sự Trần Hưng Đạo noi gương tiền nhân, áp dụng lại
trận địa cọc ngầm của Ngô Vương và triều Lý. Lần này, những kẻ bị đánh
tan là đạo quân tàn bạo và bách chiến bách thắng Mông Cổ với kết cục là
hơn 3 vạn quân giặc và gần 400 chiến thuyền bị chôn xác dưới sông, số
còn lại bị quân dân nhà Trần bắt sống chỉ trong vòng một ngày.
Cọc sắt của nhà Hồ
Năm
1406, để đối kháng với 21 vạn quân Minh xâm lược dưới sự chỉ huy của
các danh tướng Trương Phụ, Mộc Thạnh, thái thượng hoàng của Đại Ngu
(quốc hiệu nước ta lúc bấy giờ do nhà Hồ đặt) là Hồ Quý Ly và vua Hồ Hán
Thương, noi gương các tiền nhân, đã cho cắm cọc sắt ở các khúc sông
hiểm yếu, nhất là ở sông Cái, sông Thao, sông Đà thuộc sông Hồng.
Các
tướng khuyên can rằng nên dùng cọc gỗ đầu bịt sắt cũng đủ hiệu nghiệm,
dùng cọc kim loại khuân vác nặng nhọc khó khăn, làm khổ sức quân dân, mà
không có thêm tác dụng gì cả. Nhưng cha con Hồ Quý Ly không nghe, quyết
tâm muốn "chơi sang", còn đòi cọc sắt phải thật bén nhọn. Lòng người
càng ly tán, vua không biết nghe lời phải, dân không theo, không hợp tác
với triều đình để tính toán thủy triều nên nhiều nơi quân Hồ chỉ đóng
cọc ở đó rồi bỏ mặc hên xui, không nắm vững được giờ giấc lên xuống của
thủy triều.
Không hiểu do quân Minh may mắn hay dân oán ghét nhà
Hồ không báo cáo chính xác chu kỳ thủy triều ở nhiều nơi, mà quân Minh
tiến quân trên sông bình an vô sự, vượt qua các cửa sông then chốt, các
khúc sông quan trọng, đánh bại thủy quân triều Hồ trong trận thủy chiến
dữ dội trên sông Mộc Phàm (bãi Mộc Hoàn), rồi tiến thẳng đến phòng tuyến
Đa Bang, vốn là một phòng tuyến hết sức kiên cố do hoàng thân Hồ Nguyên
Trừng thiết kế và chỉ đạo xây dựng, ông cho xây thành Đa Bang để án ngữ
vị trí chiến lược trọng yếu này và thiết lập đồn lũy và các hệ thống
phòng ngự chung quanh, tạo thành thế ỷ giốc liên hoàn, hình thành phòng
tuyến Đa Bang.
Phòng tuyến Đa Bang về mặt quân sự có lẽ cũng
ngang ngửa với phòng tuyến Như Nguyệt mà quân dân Đại Việt thời Lý đã
cầm chân thành công quân xâm lược Tống, không cho địch tiến sâu vào để
tiến về kinh đô. Nhưng khác với triều Lý, triều Hồ không có lòng quân,
lòng dân, nên phòng tuyến Đa Bang tuy vô cùng kiên cố chắc chắn về quân
sự, xây dựng, kỹ thuật, nhưng vẫn bị vỡ. Quân Minh đã thành công chọc
thủng phòng tuyến Đa Bang, chiếm thành Đa Bang. Sau đó tiến về kinh đô
Đại Ngu truy bắt Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương. Nhà Hồ cuối cùng đã thất
bại hoàn toàn. Nước ta bị giặc Minh thôn tính.
Bài học thời nhà
Hồ càng minh định một nguyên tắc, một chân lý bất di bất dịch: Tất cả
đều ở con người, mọi vũ khí là phụ thuộc vào con người. Con người không
biết dùng thì dù là vũ khí lợi hại ra sao cũng đều vô dụng, vô ích. Tự
thân cọc ngầm trên sông không có tác dụng gì cả nếu không có con người,
không có sự liên hệ, quan hệ, hợp tác chặt chẽ giữa người và người,
không có lòng dân vững chắc.
Trong cuộc chiến Minh - Việt lần thứ
nhất, có thể thấy rõ là dân không ủng hộ triều Hồ nên đã thờ ơ không
chỉ dẫn, hợp tác. Ngư dân địa phương không cộng tác với quân triều để
tính ra được thủy triều, hoặc khi bị bắt ép thì chỉ bậy, chỉ qua loa. Và
một vũ khí thần diệu đến tay nhà Hồ sử dụng đã không còn tác dụng.
Trong
chiến tranh du kích, điều kiện tiên quyết là phải có được lòng dân, để
dân kiên quyết giữ bí mật và không tiết lộ với giặc. Trong chiến tranh
Minh - Việt lần thứ nhất, một số kẻ đi báo với giặc, hoặc khi bị giặc
thúc ép thì khó giữ nổi khí tiết (vì bản thân cũng đã không ưa nhà Hồ)
nên dễ cung khai, cả quân và dân đều không cố gắng giữ bí mật. Cho nên
trong cuộc chiến đó quân Việt ẩn thân mai phục ở đâu thì quân Minh đều
biết, lường trước và đề phòng cảnh giác. Đường đi nước bước, nơi nào
hiểm yếu dễ ẩn náu, nơi nào dễ gặp mai phục, địch đều moi tin ra được từ
cư dân tại đó, nên không hề bị trúng kế, không sa vào các vị trí có
phục binh. Đất Việt có lợi thế địa lợi vốn dĩ rất thuận lợi cho du kích
chiến, nhưng yếu tố địa lợi mà không gắn liền với yếu tố nhân hòa thì
cũng vô dụng.
Có lẽ vì vậy mà thiên tài quân sự Đại tướng Võ
Nguyên Giáp đã từng nói đại ý: Chiến thuật chiến tranh du kích là một
phần của chiến lược chiến tranh nhân dân. Như vậy, nếu không có dân, nếu
cuộc chiến đó vốn đã không phải là một cuộc chiến tranh nhân dân, thì
làm sao phát huy được chiến tranh du kích. Đó chính là lời giải cho câu
hỏi vì sao nhà Hồ cũng khai thác tận dụng yếu tố địa lợi nhưng bất
thành, tại sao cùng một lợi thế địa lợi đó, mà phe dùng được phe thì
không.
Cọc tre thời đánh Mỹ
Năm 1968,
quân Giải phóng ở Quảng Trị đã tạo nên một "thế trận Bạch Đằng trên sông
Hiếu", áp dụng lại trận địa cọc ngầm của người xưa. Lần này những kẻ bị
đánh tan là quân đội Hoa Kỳ trăm trận trăm thắng. Nhân lúc thủy triều
xuống thấp, quân ta cắm cọc tre xuống sông kết hợp với thả bè tre lơ
lửng trong nước theo hình dích dắc để co cụm tàu giặc lại, phục kích
quanh bờ, rồi "nhắm thẳng quân thù mà bắn".
Thời điểm đó, con
đường vận chuyển lương thực, hàng hóa, nhiên liệu, thiết bị quân sự từ
cảng Cửa Việt lên thị trấn Đông Hà để nuôi cả phòng tuyến Quảng Trị -
Khe Sanh là hết sức quan trọng đối với Mỹ-ngụy. Con sông Hiếu ở Quảng
Trị (còn gọi là sông Cam Lộ) là một phụ lưu của sông Thạch Hãn. Hằng
ngày trên sông Hiếu có từ 15 đến 20 tàu chiến của thủy quân lục chiến Mỹ
làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, nhiên liệu, thiết bị, lương thực và
vũ khí từ cảng Cửa Việt lên Đông Hà.
Để "chia lửa" với mặt trận
Khe Sanh cũng như để cắt con đường vận chuyển tiếp tế hậu cần và phá hủy
các thuyền chở lương thực, súng đạn của giặc, Bộ Chỉ huy Mặt trận Đường
9 - Bắc Quảng Trị đã chỉ đạo các lực lượng hướng đông phải kiên quyết
phong tỏa cảng Cửa Việt, chẹn "cuống họng" của địch, đồng thời cắt "thực
quản" của chúng, phong tỏa đoạn sông từ Cửa Việt lên Đông Hà, bằng các
cách đánh đặc công phối hợp với pháo binh, bố trí vật cản, phối hợp trận
địa dưới sông, trên bờ, nhằm tiêu diệt tàu giặc, làm tê liệt tuyến cảng
sông của chúng.
Từ nhiều diễn biến tiêu cực của Mỹ trước đó,
cộng với các tin tức tình báo, ta dự đoán ý đồ của họ là muốn khai thông
tuyến vận tải sống còn Cửa Việt - Đông Hà. Từ thực tiễn đó, Thường vụ
liên huyện Gio – Cam quyết tâm tổ chức một đợt chiến đấu mới phong tỏa
dài ngày trên sông Hiếu, ngăn chặn và tiêu diệt tàu địch, làm tắc nghẽn
giao thông, đẩy địch vào tình trạng thiếu lương thực, đạn dược quân nhu.
Để
tìm ra phương án đánh giặc hiệu quả nhất, một cuộc họp bàn đã được tổ
chức. Cuộc họp đã nhất trí một quyết định táo bạo: Để ngăn tàu giặc, ta
cần học theo cách đánh trên sông Bạch Đằng của tổ tiên, cụ thể là nơi
nào nước cạn thì dùng các cọc tre cắm ngập chìm trong nước, nơi nào nước
sâu thì kết tre thành chùm, một đầu buộc vật nặng thả xuống sông. Các
chùm tre lại được kết với nhau thành bè nửa chìm nửa nổi tạo thành thế
dích dắc và được neo giữ không để trôi tự do. Các cọc tre và bè tre kết
hợp với bùng nhùng tự tạo, dây thép gai, mìn và ngư lôi khiến tàu địch
muốn lách để tiến cũng không được. Hai bên bờ sông bố trí các loại hỏa
lực để tiêu diệt tàu Mỹ.
Đây là một kế hoạch tối ưu nhưng rất
phức tạp, nói dễ hơn làm. Cần những biện pháp thích hợp để huy động, thu
gom, vận chuyển, tập kết vật liệu và cách thức xây dựng "thế trận Bạch
Đằng" sao cho bí mật. Vừa phải vận động người dân giúp xây thế trận, vừa
phải làm cho dân hiểu tầm quan trọng của trận này và không tiết lộ nửa
câu ra ngoài cho bọn Việt gian chỉ điểm, đặc biệt là các cháu nhỏ.
Sau
cuộc họp, bộ đội và du kích Gio Linh liền đi phổ biến chủ trương và
phương thức đánh giặc độc đáo đó cho dân chúng quanh vùng và được bà con
tán thưởng khen hay và nhiệt tình ủng hộ. Chỉ trong một thời gian ngắn,
nhân dân địa phương đã lao động cật lực và đóng góp hàng ngàn cây tre,
hóp, phi lao, dương và hàng trăm cuộn dây thép gai.
Ảnh minh họa
Các
du kích xã, du kích địa phương và các thanh niên trai tráng khỏe mạnh
làm nghề sông nước được huy động cho việc cắm cọc, kết bè. Hàng chục
chiếc đò của dân cũng được huy động để chở các chướng ngại vật, bộ đội,
du kích sang sông. Trong những ngày đó, mỗi khi màn đêm buông xuống là
bà con hai bên bờ sông Hiếu lại đào hầm, giao thông hào làm trận địa cho
bộ đội, du kích. Hàng chục dân công cũng được huy động để phục vụ hậu
cần, cứu thương, y tế. Riêng làng Thượng Nghĩa, chỉ trong một đêm dân
làng đã hạ hơn 4000 cây tre để đóng góp cho việc chung.
Như vậy,
vận dụng cách đánh truyền thống của cổ nhân, quân dân hai bên bờ sông
Hiếu đã xây dựng nên một thế trận rất hiểm mà nhiều người gọi là "trận
Bạch Đằng thời đánh Mỹ", hay còn gọi là "trận Bạch Đằng trên sông Hiếu",
"thế trận Bạch Đằng trên sông Thạch Hãn" (sông Hiếu là phụ lưu của sông
Thạch Hãn) bằng các cọc tre, bè tre kết hợp với bùng nhùng, dây thép
gai, mìn và ngư lôi.
Một lần nữa, quân Mỹ lại bị động, quân Việt
là phía chủ động quyết định đánh ở đâu. Vị trí được quân đội Việt Nam
chọn làm trận địa là khu vực Đại Độ, đoạn từ ngã ba sông Gia Độ đến Hói
Sòng, một đoạn của con sông Hiếu, nằm về phía nam làng Vinh Quang hạ (xã
Gio Quang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), cách Tam giang khẩu (ngã ba
Gia Độ) 300m về phía tây, cách thị xã Đông Hà gần 2km về phía đông. Khu
vực này sông khá hẹp, hai bên bờ địa hình rất thuận lợi cho việc cất
giấu, bố trí lực lượng và hỏa lực.
Có được sự ủng hộ hoàn toàn
của người dân địa phương, quân Giải phóng và quân dân địa phương đã đồng
tâm hiệp lực, cộng tác chặt chẽ tính nhẩm, ghi nhớ, ghi chép và nắm bắt
được quy luật thủy triều ở sông Hiếu.
Đêm 28-2-1968, khi nước
sông Hiếu cạn dần, lực lượng biệt động thị xã Đông Hà, du kích một số xã
Gio Hà (nay là Gio Mai, Gio Quang), Gio Cam, bộ đội địa phương Cam Lộ,
dân chúng thuộc các xã Cam Giang, Gio Mai, Gio Quang, Trung đoàn 270
(Đoàn 31), bộ đội đặc công Đoàn 126; du kích một số xã và một số quần
chúng Ngã Ba cùng 20 chiếc thuyền chở tre, hóp, dây thép gai.... bí mật
tiếp cận khu vực Đại Độ. Công việc cắm cọc bắt đầu được tiến hành dưới
cơn mưa lạnh.
Mưa mỗi lúc một nặng hạt, gió đông bắc từ biển thổi
vào như cắt vào da thịt, thỉnh thoảng pháo sáng giặc Mỹ lại bắn lên
không trung chiếu sáng cả một vùng rộng lớn. Vậy mà lực lượng du kích và
người dân vẫn lặng lẽ, bí mật bố trí, liên kết bãi cọc. Sau hơn một giờ
ngâm mình trong dòng nước lạnh buốt, "bãi cọc Bạch Đằng" được bố trí
xong với gần 2000 cọc tre, 60 cọc phi lao, 200 cuộn dây thép gai được
cắm xuống dòng sông Hiếu. Xen giữa các bãi cọc là các bãi mìn, những quả
thủy lôi.
Trận địa được bố trí thành hai bãi cọc dài, lặng lẽ
rình chờ con mồi đi vào tử địa. Trên bờ, trận địa hỏa lực bắn tàu, bắn
máy bay (vì Mỹ chu đáo, mỗi chuyến tàu trên sông đều có trực thăng bay
theo hộ tống) của bộ đội, du kích được bố trí chu đáo sẵn sàng cho giờ
khai hỏa.
Đêm 1-3-1968, các lực lượng vũ trang và bán vũ trang
địa phương, thanh niên xung phong, dân công, quần chúng rút lui hết, chỉ
để hai tổ ở lại phối hợp với bộ đội chủ lực. Các đơn vị hỏa lực thuộc
trung đoàn 270 cùng bộ binh và du kích bí mật áp sát bên bờ sông từ Mai
Xá, Vinh Quang hạ, Đại Độ sẵn sàng đánh giặc. Trời vừa sáng thì cạm bẫy
"thế trận Bạch Đằng" đã được hoàn thành và giăng ra. Khi triều cường,
nước sông đã che kín bãi cọc, lính Mỹ dùng ống dòm quan sát từ xa cũng
không thấy gì khác lạ.
Quân Giải phóng ở Cửa Việt
Rạng
sáng ngày 4-3, một đoàn tàu giặc gồm 12 chiếc được máy bay trinh sát,
trực thăng vũ trang và xe lội nước hộ tống từ Cửa Việt tiến về Đông Hà,
chiếc nọ cách chiếc kia 15 - 20m. Do trước đó quan sát bằng ống dòm từ
xa thấy không có dấu hiệu nguy hiểm nên giặc vô tư đi tới, không hề biết
đến cạm bẫy nguy hiểm đang được giăng ra chờ họ. Đến khi triều xuống
thấp, chiếc tàu đi đầu vấp phải bãi cọc và chướng ngại vật, làm chúng bị
kẹt và tắt nghẽn.
Đây là những tàu chiến hiện đại của Mỹ nên
chúng cũng chưa bị hư hại gì, nhưng chúng bị vây kẹt cứng trong bãi cọc,
không biết đi đâu, xoay trở ra sao, bị dính chặt dậm chân tại một chỗ,
như bị "điểm huyệt" cứng đơ vậy. Những chiếc phía sau không bị lọt vào
trong bãi cọc thì cũng bị kẹt đường tắt nghẽn, di chuyển chậm chạp ì ạch
và muốn quay đầu lại cũng rất khó vì sông hẹp. Hoàn toàn bị "đóng băng"
ở đó, trở thành mục tiêu lý tưởng và làm mồi cho hỏa lực của quân dân
Quảng Trị.
Trong lúc giặc đang loay hoay tìm cách thoát ra thì
ngay lập tức một tàu chiến của địch đã đụng vào thủy lôi và phát nổ.
Thủy quân lục chiến Mỹ vốn là những chiến binh chuyên nghiệp chứ không
dễ hoảng loạn như quân ngụy, nên thay vì vỡ trận tranh nhau tháo chạy
hay nhảy xuống sông bơi lên bờ tìm cách chạy thì họ bình tĩnh định tìm
cách gỡ ra và thoát thân trong trật tự. Như họ đã từng được huấn luyện,
chuẩn bị chu đáo trong các quân trường, chiến trường giả bên Mỹ.
Ngay
lập tức đạn pháo của quân Việt Nam từ trận địa trên bờ thi nhau bắn
chặn, "nhắm thẳng quân thù mà bắn". Trong đoàn tàu Mỹ có một số chiếc
chở nhiên liệu, xăng dầu bị trúng đạn khiến xăng, dầu chảy tràn lan bốc
cháy dữ dội, chẳng mấy chốc sông Hiếu trở thành một dòng sông lửa. Đã bị
vấp phải "bãi cọc Bạch Đằng" làm cho đoàn tàu bị dồn cứng ngắt chẳng
biết xoay trở đường nào, lại còn bị bồi thêm bởi các loại súng ĐKZ, B41,
12,7mm, súng cối, súng bộ binh, đoàn tàu thủy quân lục chiến Mỹ bị dìm
trong biển lửa, bốc cháy dữ dội rồi chìm xuống sông, có vài chiếc tàu bị
chính đạn trên tàu nổ xé tan làm nhiều mảnh.
Sau hơn một tiếng
đồng hồ chiến đấu, trong trận này, quân dân địa phương Cam Giang, Gio Hà
và bộ đội Quảng Trị đã phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với sự yểm trợ của
bộ đội chủ lực đã bắn cháy, đánh chìm 7 tàu Mỹ, gây tắt nghẽn cho tuyến
đường tiếp viện Cửa Việt - Đông Hà của giặc.
Một số chiếc đi sau
quay mũi định tháo chạy về Cửa Việt, nhưng bị hỏa lực quân ta từ bờ Bắc
sông Bến Hải được các đài trinh sát tiền tiêu hướng dẫn nhả đạn chính
xác, nên quân giặc cũng không thoát khỏi án tử hình. Xác tàu chiến, xác
lính giặc trôi bập bềnh trên sông nước suốt mấy ngày mới thoát ra Biển
Đông. Máu nhuộm đỏ cả một khúc sông. Mùi khói lửa khét nghẹt và máu tanh
nồng nặc. Từ đó bọn giặc coi Cửa Việt - Đông Hà là nỗi kinh hoàng và sợ
quân Giải phóng ở đây như sợ cọp.
Các chiến thắng lẫy lừng kể
trên đã biến những chiếc cọc gỗ mộc mạc trở thành thứ vũ khí kinh điển,
vũ khí huyền thoại trong lịch sử quân sự Việt Nam và thế giới.
Ảnh biếm họa với thông điệp rằng truyền thống Bạch Đằng sẽ chặn đứng cuồng vọng "đường lưỡi bò" của Trung Hoa
Số phận của loại vũ khí này:
Nhìn
theo góc độ vật lý, thì loại vũ khí này cũng như nỏ liên châu, không
còn hợp thời nữa, không còn chỗ dùng nữa, vì không còn phù hợp với chiến
tranh hiện đại. Chiến tranh ngày nay chủ yếu diễn ra trên đất, trời và
biển, ít còn diễn ra trên sông nước.
Nhưng xét theo góc độ tinh
thần, thì đây còn là vũ khí lòng dân, nó là biểu tượng của chí khí chống
ngoại xâm, sự khéo léo của dân tộc trong chiến tranh vệ quốc và lòng
dân. Bản thân món vũ khí này không làm được gì cả nếu không có sức
người, lòng người, bàn tay khéo léo của con người, của quân dân. Nếu
nhìn theo góc độ này thì đây là vũ khí của lòng dân và nó trường tồn
cùng dân tộc chứ không đi đâu hết.
Nó là bài thuốc để các nhà
lãnh đạo nào đã quên bài học lòng dân nhìn vào mà sực nhớ lại. 2 bài học
Bạch Đằng và 5 bài học cọc ngầm kể trên chính là minh chứng để chúng ta
thấy rõ nguyên tắc, chân lý có dân là có tất cả. Như Bác Hồ đã từng
nói: "Dễ vạn lần, không dân cũng chịu. Khó vạn lần, dân liệu cũng xong."
Quân
đội Ngô Quyền, quân nhà Trần, và quân dân Quảng Trị có được sự ủng hộ,
giúp đỡ của nhân dân địa phương nên đã nắm được quy luật thủy triều, và
vận dụng kiến thức đó chung với với việc đóng cọc, phục kích địch thì
mới chiến thắng được. Đây là điều kiện quyết định, bởi vì cách tính chu
kỳ thủy triều ở các địa phương đều không giống nhau, và chỉ có dân địa
phương đó, nhất là những người làm nghề sông nước ở ngay tại đó, thì mới
quen thuộc (họ đã sống ở đó từ nhỏ tới lớn, gia đình họ ở đó nhiều đời)
và nắm được phần lớn quy luật sông nước ở đó. Họ sống bao đời gần sông
nước và họ được bố mẹ, người lớn truyền dạy cho cách tính theo con nước,
theo chu kỳ lên xuống của nó. Chính là nhờ vào hiện tượng thủy triều,
nên con người sống ở đó mới biết cách canh để mà đánh bắt tốt hơn thủy
sản. Do đó nếu ở xa thì không tài nào nắm được.
Nhà Hồ đã học bài
học đau đớn đó và hối thì đã muộn. Với khoa học phát triển tiên tiến
ngày nay các nhà khoa học tự nhiên, toán học vẫn không ai đưa ra được
một công thức, phép tính chung nào để tính ra được thời điểm thấp cao
của thủy triều (tide).
Nhà Hồ có quân số rất đông (phần nhiều bắt
lính), huấn luyện rất kỹ, xây đắp thành cao hào sâu, và vũ khí rất tốt.
Hồ Nguyên Trừng là nhà phát minh lớn trong thời đó, sau khi Hồ Quý Ly
lên ngôi, Hồ Nguyên Trừng sau đó không lâu đã sáng chế thành công Thần
cơ sang pháo (súng thần cơ) và trước hiểm họa Bắc xâm từ nhà Minh, Hồ
Nguyên Trừng cũng chế tạo ra Cổ lâu thuyền, một loại thuyền chiến lớn
đóng đinh sắt, có hai tầng boong với hàng chục tay chéo và hai người
điều khiển một mái chèo. Cổ lâu thuyền vừa được dùng để tải lương, vừa
sẵn sàng chiến đấu khi được trang bị súng thần cơ đầy uy lực. Cổ lâu
thuyền còn được giới bình dân bá tánh gọi là thuyền hai đáy, bụng thuyền
được chia ra làm hai phần: Phần dưới để lính chèo thuyền, phần trên
giấu lính chiến đấu.
Hồ Nguyên Trừng đã kế thừa kỹ thuật sản xuất
thuốc súng, hỏa khí và cải tiến kỹ thuật đúc súng từ các triều đại
trước và chế tạo ra súng Thần cơ sang pháo, kiểu đại bác đầu tiên ở nước
ta. Loại súng này sử dụng đạn đúc bằng chì, gang hoặc đá, có sức xuyên
và công phá tốt, hiệu quả sát thương và uy hiếp tinh thần quân địch rất
cao.
Súng
thần cơ là phát minh lỗi lạc của hoàng thân Hồ Nguyên Trừng trong thời
Hồ. Đây là kiểu đại bác đầu tiên ở VN, sử dụng đạn đúc bằng chì, gang
hoặc đá, có sức công phá cao.
Sau
thời nhà Hồ, súng thần công (các phiên bản cải tiến của súng thần cơ)
tiếp tục được người Việt phát triển và có sự học hỏi nước ngoài để cải
tiến kỹ thuật. Đến thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, rất nhiều cỡ súng
thần công từ loại nhỏ đến khổng lồ đã được đúc và đưa vào sử dụng.
Trong
cuộc xâm lược Đại Việt, dù quân Minh chiến thắng chúng vẫn không tránh
khỏi nỗi kinh sợ trước hỏa lực của Thần cơ sang pháo. Khi chiếm được
những khẩu pháo này, chúng rất đỗi ngạc nhiên vì Thần cơ sang pháo có
nhiều ưu thế hơn hẳn các loại hỏa pháo của quân Minh. Những cỗ Thần cơ
sang pháo nhanh chóng được chở về Trung Quốc nghiên cứu. Đây có lẽ là
một trong những biểu hiện xưa nhất của "truyền thống đánh cắp công nghệ
quốc phòng" của người Trung Quốc.
Vũ khí của nhà Hồ lợi hại,
hoành tráng, tốn kém và hiện đại tối tân (theo tiêu chuẩn thời đó) đến
như vậy, nhưng không phát huy được sức mạnh của cọc ngầm, hay nói đúng
hơn là không phát huy được sức mạnh của nhân dân, thì vẫn phải thua đau.
Vũ khí lòng dân mới là vũ khí vô địch vậy. Vũ khí làm cho địch thua từ
xưa đến nay luôn là những vũ khí mà địch không sợ, không ngờ, và vì
không sợ, không ngờ nên chúng mới không đề phòng và chuốc lấy bại vong.
Những vũ khí hiện đại tối tân của nhà Hồ làm cho địch gờm, chú ý và đề
phòng cảnh giác nên trở thành không còn bao nhiêu tác dụng.
Tóm
lại, quân Ngô Quyền, nhà Trần, quân Giải phóng có được dân chúng địa
phương ủng hộ, đã có sự liên kết thống nhất chặt chẽ giữa trung ương và
địa phương nên đã thắng lợi trong các trận đánh quyết định. Nhà Hồ không
được như vậy nên đã thất bại và mất nước. Vũ khí cọc ngầm này là một
biểu tượng và bài học lớn đó.
3. Voi lửa
Đất
Việt là nơi có nhiều voi sinh sống, và người Việt đã sớm sử dụng loài
voi như một loại vũ khí, một loại "binh chủng" đặc biệt trong các cuộc
chiến. Khi hành quân, voi là phương tiện vận chuyển, chuyên chở quân
nhu, vũ khí, lương thảo. Trong chiến đấu, voi trở thành chiến cụ đầy uy
lực, có thể dùng vòi, ngà và chân tiêu diệt địch, húc vào các nhóm lính
địch, húc đổ cổng thành, tả xung hữu đột, dày xéo, dẫm nát quân địch,
phá rào lũy mở đường tiến cho bộ binh. Với ưu thế của mình, các đội quân
voi chiến tiên phong đi đầu luôn trở thành nỗi kinh hoàng của quân xâm
lược ngoại bang.
Những người lính trên mình voi có lợi thế về độ
cao, tầm quan sát tốt, tác chiến thuận lợi với các mũi giáo dài và các
loại vũ khí tầm xa như cung, nỏ, súng. Đặc biệt, voi còn là khắc tinh
của kỵ binh bởi loài ngựa có nỗi sợ bản năng với loài voi.
Tài sử
dụng voi trận của người Việt đã gắn liền với hình ảnh "cưỡi voi đánh
giặc" của Bà Trưng, Bà Triệu. Từ thời Hai Bà Trưng cho đến thời Quang
Trung, một cuộc cách mạng đã diễn ra trong nghệ thuật sử dụng voi trận
của người Việt. Với thiên tài quân sự của mình, người anh hùng áo vải
Nguyễn Huệ đã biến những chú voi trở thành một lực lượng hỏa lực cơ
động, mang theo đại bác và hỏa pháo trên lưng, thực hiện nhiệm vụ đột
kích với sức công phá đáng sợ. Đó là những thay đổi vượt bậc so với các
đội tượng binh thời trước. Voi trận còn được sử dụng trong một số quân
đội quốc gia khác, nhưng "voi lửa" thời Tây Sơn có thể nói là một loại
vũ khí "không giống ai".
Trận đánh điển hình cho tài dùng voi của
Nguyễn Huệ là trận Ngọc Hồi - Đống Đa năm 1789, khi 100 voi lửa của
quân Tây Sơn đã làm những chú ngựa trong đội kỵ binh của quân Thanh
khiếp đảm, dẫm đạp lên nhau chạy loạn, ngựa đạp chết lính, tháo chạy tán
loạn. Kết quả là quân Thanh thua to, bao nhiêu tên xâm lược đã bị voi
Việt và cả ngựa Tàu đạp tan thây.
Trong các thời kỳ trước, voi
trận thường được sử dụng làm lực lượng đột kích mang tính chất lẻ tẻ,
rời rạc trong mỗi mũi tiến công, mang bản chất một lực lượng phụ trợ
chiến thuật. Phải đến thời Tây Sơn, thiên tài quân sự Quang Trung -
Nguyễn Huệ đã khai thác, tận dụng ưu điểm của loài voi, rồi voi chiến
mới được sử dụng tập trung số lượng lớn có trọng tâm trọng điểm cụ thể,
biến voi chiến trở thành một lực lượng tấn công chiến lược.
Đặc
biệt, Nguyễn Huệ đã biến voi thành những "cỗ xe tăng" có sức mạnh áp
đảo, trang bị đại bác và hỏa pháo trên lưng. Trên lưng mỗi quân voi có
ba, bốn người lính chít khăn đỏ, ngồi ném tung hỏa cầu lưu hoàng ra khắp
nơi, đốt cháy quân địch.
Voi chiến không phải là một vũ khí hoàn
hảo. Nó có khuyết điểm là sợ lửa và tiếng nổ lớn. Trong chiến tranh
Minh - Việt lần thứ nhất, quân Minh đã khôn khéo lợi dụng pháo, lửa rồi
đeo mặt nạ sư tử vào cho các ngựa chiến để hù dọa voi trận nhà Hồ, làm
cho voi quân Hồ chạy ngược vào trong trận làm vỡ trận quân Hồ.
Cho
thấy việc nghĩa quân Tây Sơn huấn luyện được những con voi chịu đựng
được môi trường chiến đấu chung quanh đầy tiếng nổ và khói lửa như vậy
càng thể hiện trình độ quân sự rất đáng nể của các quản tượng, các
chuyên viên huấn luyện voi, và các tướng lĩnh Tây Sơn.
Với những
trang bị như vậy, voi chiến của đội quân áo vải cờ đào Tây Sơn đã biến
thành một lực lượng hỏa lực cơ động có sức mạnh đột kích kinh khiếp. Đội
quân "voi lửa" của vua Quang Trung, người thiên tài quân sự cả đời cầm
quân không hề biết thua trận là gì, đã hội đủ cả 3 yếu tố chiến thuật:
Cơ động, đột kích và hỏa lực. Đây thật sự là một cuộc cách mạng voi
chiến so với các thời kỳ trước đó.
Năm 1789, trong chiến dịch
giải phóng Thăng Long, 100 voi trận Tây Sơn do nữ đô đốc Bùi Thị Xuân
chỉ huy đã đánh tan đội kỵ binh đông đảo của Tôn Sĩ Nghị, góp phần làm
nên chiến thắng Đống Đa lịch sử của quân đội Tây Sơn và dân tộc Việt
Nam, giải phóng Bắc Hà, xóa bỏ ranh giới ở sông Gianh chia cắt Đàng
Trong - Đàng Ngoài, Bắc Hà - Nam Hà, thống nhất hai Đàng.
Bên
cạnh việc trang bị hỏa lực cho voi, một yếu tố khác cũng làm tăng cường
đáng kể sức mạnh và tốc độ hành quân của đội voi chiến Tây Sơn là sự ra
đời của những chiến hạm khổng lồ Định Quốc được chế tạo theo mô hình
phương Tây thời bấy giờ. Với khả năng chở được voi, những chiến hạm
khổng lồ này khiến cuộc hành quân xuyên Việt của đội voi diễn ra thần
tốc và dễ dàng hơn rất nhiều bằng đường biển. Góp phần thêu dệt thêm
những huyền thoại vào các chiến dịch hành quân siêu tốc của quân Tây
Sơn.
Số phận của loại vũ khí này:
Bước
vào thời cận đại, với cuộc cách mạng hỏa khí từ phương Tây và sự phát
triển vượt bậc về công nghệ quốc phòng, lực lượng voi chiến dần trở nên
lạc hậu, lỗi thời trước sức mạnh vượt trội của hỏa lực châu Âu.
Mất
tác dụng trên sa trường, chúng chỉ còn là những con vật mang tính biểu
tượng, được sử dụng trong các nghi lễ hay mua vui cho vua chúa, quan lại
phong kiến trong những cuộc chiến với hổ, báo, heo rừng và cả với nhau,
tại các sân đấu. Binh chủng kỵ binh cũng chịu chung số phận.
Sau
này trong hai cuộc kháng chiến, nhân dân các dân tộc thiểu số có dùng
voi để tải súng đạn, lương thực, đồ dùng lên chiến trường cho bộ đội.
Tuy nhiên vai trò thực chiến của các đơn vị tượng binh, kỵ binh, và vũ
khí "voi lửa" đến đây kết thúc.
4. Súng hỏa hổ
Ảnh minh họa
Ngoài
"xe tăng voi lửa" kể trên, binh lính Tây Sơn còn được trang bị một loại
vũ khí cá nhân là Hỏa hổ. Hỏa hổ là một loại vũ khí hình ống, một loại
súng phun lửa có thể biến địch thành "cây đuốc sống". Khi lâm trận,
trong ống Hỏa hổ bắn nhựa thông ra, trúng phải đâu là lập tức bốc cháy.
Loại vũ khí đặc biệt này được trang bị cho cả quân chủng lục quân và
thủy quân của nhà Tây Sơn.
Theo sách binh pháp "Binh thư yếu
lược" tương truyền của Trần Hưng Đạo, cách chế là như sau: Dùng một
chiếc ống (bằng sắt hoặc bằng tre, gỗ) dài khoảng 25cm, nạp thuốc thành
nhiều nấc. Nấc đầu tiên là liều thuốc bắn, giã nén chặt dày khoảng 4cm,
sau đó tiếp nấc thứ hai là liều thuốc phun, giã nén chặt, dày khoảng
12cm. Sau đó, nạp đạn ghém gồm các vật liệu sát thương, dày khoảng 4cm.
Phần ống còn lại nạp dầy thuốc phun. Gặp địch, người dùng Hỏa hổ châm
ngòi, cầm cán tre chỉa vào, thuốc phun và đạn sẽ phóng ra đốt cháy sát
thương đối phương. Dùng xong lại có thể lấy ống đó nạp liều thuốc khác.
Sách
binh pháp "Hổ trướng khu cơ" của quân sư Đào Duy Từ (mưu sĩ hàng đầu
được các chúa Nguyễn trọng dụng nhất trong cuộc chiến Trịnh - Nguyễn
phân tranh) ghi: Hỏa hổ chính là hỏa tiễn, vì lửa cháy dữ dội, nên gọi
là hỏa hổ. Sử sách trong Quốc sử quán nhà Nguyễn đời Minh Mạng còn gọi
Hỏa hổ là hỏa phún đồng.
Sau khi quan sát, suy luận, phân tích,
các nhà nghiên cứu cho rằng loại vũ khí này được cải tiến từ các hỏa
thương và hỏa đồng (ống lửa) hạng nhỏ thời Lê sơ. Trong tay nghĩa quân
Tây Sơn, nó được dùng một cách tập trung, ồ ạt, tạo thành hỏa lực giáp
chiến hết sức lợi hại, một loại vũ khí chiến lược.
Điều ấn tượng
là vua Quang Trung đã chế tạo ra súng Hỏa hổ bằng những ống tre, trở
thành một vũ khí cá nhân có tính sát thương cao. Nếu đem so với những
khẩu súng hỏa đồng của quân chúa Trịnh hay súng pháo lớn cần hàng chục
người khiêng của nhà Minh, nhà Thanh thì sáng tạo này của Quang Trung đã
bỏ xa những phe kia cả về trình độ công nghệ lẫn tác dụng thực chiến.
Hỏa
thương là một loại súng cầm tay sơ khai của bộ binh. Đó là một ống nhỏ
có bầu đựng thuốc súng và nòng súng, khai hỏa bằng cách châm ngòi dẫn.
Hỏa
đồng có cách hoạt động giống hỏa thương, nhưng có kích thước lớn hơn và
được đặt trên bệ cố định. Nó sát thương bằng cách phun lửa chứ không
dùng đạn.
Quân Thanh khi chuẩn bị kéo sang xâm lăng nước ta,
trong 8 điều quân luật do Tôn Sĩ Nghị và các tướng biên soạn, có điều
thứ 5 để chống lại súng Hỏa hổ như sau: "Quân Nam không có sở trường gì
khác, toàn dùng ống phun lửa làm lợi khí, gọi là hỏa hổ. Khi hai quân
giáp nhau, trước hết họ dùng thứ đó để đốt cháy quần áo người ta, buộc
người ta phải rút lui. Nhưng tài nghệ của họ cũng chỉ có thế thôi, so
với súng ống của ta thì họ kém rất ra. Hiện nay, ta chế sẵn vài trăm lá
chắn da trâu sống. Nếu gặp Hỏa hổ của người Nam phun lửa, thì quân tay
cầm lá chắn ấy đỡ lửa một tay cầm dao chém bừa chắc rằng chúng bỏ chạy
tan tác".
Một số tài liệu cũng cho biết, trong bộ chiến, vua
Quang Trung thường dùng voi lửa phá tan kỵ binh địch không còn manh
giáp, và dùng súng Hỏa hổ gây rối loạn bộ binh địch, rồi xông lên giáp
chiến xáp lá cà.
Còn trong thủy chiến, ngài rất hay dùng lối đánh
giáp công áp sát để hạn chế sức sát thương của đại bác địch, rồi triển
khai hỏa công để đốt tàu địch, dùng một biến thể của Hỏa hổ có tên là
"Rồng cỏ", vốn là một loại bãi cháy dùng đánh hỏa công để vây đốt binh
thuyền của địch, mà điển hình và ngoạn mục nhất là trận đánh hỏa công do
Nguyễn Huệ chỉ huy, đã đốt cháy tàu chiến của Nguyễn Ánh, Bá Đa Lộc ở
chiến trường Gia Định năm 1782.
Hỏa cầu được nhà quân sự Đào Duy Từ sáng chế dựa trên kỹ thuật hỏa khí phương Tây.
Ngoài
súng Hỏa hổ, quân Tây Sơn còn dùng Hỏa cầu (Lưu hoàng) để phụ trợ cho
Hỏa hổ. Hỏa cầu là loại trái nổ dùng để ném, có tác dụng và hiệu quả gần
như lựu đạn. Tùy vào chất nạp mà trái nổ có thể tạo ra khói độc, nhựa
cháy, hoặc mảnh vụn sát thương.
Hỏa hổ và hỏa cầu, hai loại vũ
khí cá nhân rất "bá đạo" của quân Tây Sơn làm khiếp đảm các thế lực thù
trong giặc ngoài, góp phần vào trận đại thắng quân Thanh xuân Kỷ Dậu
1789, giải phóng Bắc Hà, tạm thống nhất đất nước.
Số phận của loại vũ khí này:
Dưới
thời vua Quang Trung, nhà Tây Sơn có được lòng dân, cộng với thiên tài
quân sự của nhà vua nên các công dụng lợi hại của súng Hỏa hổ được phát
huy lên cao nhất. Sau khi vua băng hà, các tướng lĩnh Tây Sơn bị sốc
nặng, không ai phục ai, đấu đá nhau tranh giành quyền lực và quyền vị.
Vua mới còn nhỏ không đủ sức trị vì. Bên trong quyền thần Bùi Đắc Tuyên
độc đoán, chuyên quyền, khiến cho quần thần nhiều người bất phục, dị
nghị. Nhà Tây Sơn mất dần lòng dân.
Không còn dân, không còn
thiên tài quân sự Quang Trung - Nguyễn Huệ, súng Hỏa hổ cũng không còn
phát huy tác dụng thích hợp. Hơn nữa người Pháp và Bá Đa Lộc không ngừng
viện trợ các loại vũ khí hiện đại tối tân của Pháp cho quân Nguyễn.
Súng Hỏa hổ dần trở nên lạc hậu, lỗi thời, thất thế trước các súng
trường và đại bác phương Tây.
Hỏa hổ (giữa ảnh)
Sau
khi chiến thắng, chiếm được ngai vàng và lên ngôi, vua Gia Long cho dẹp
hết các loại vũ khí có thể gợi nhớ đến biểu tượng Tây Sơn, phổ biến và
sử dụng các trang bị, vũ khí của châu Âu. Cuộc cách mạng về công nghệ,
công nghiệp, hỏa khí ở châu Âu càng làm cho súng Hỏa hổ, Hỏa cầu, và cả
mẫu súng thần công của Hồ Nguyên Trừng mà quân chúa Trịnh hay dùng đều
trở thành "đồ cổ".
Tuy nhiên, súng Hỏa hổ vẫn còn ý nghĩa lịch
sử, mỗi khi nghe tới nó khiến người ta không khỏi bồi hồi nhớ tới những
chiến công xưa vô cùng hiển hách của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ,
đội quân áo vải cờ đào Tây Sơn, và các tướng lĩnh Tây Sơn lừng danh một
thuở.
5. Súng ngựa trời
Đây
là loại vũ khí tự chế, thô sơ có hình con bọ ngựa, bắn các mảnh kim
loại, đinh, miểng chai, đá vụn để sát thương địch. Cấu tạo gồm: Nòng
súng bằng kim loại (ống nước, ống tôn), đáy nòng bịt kín (hàn hay đập
dẹt) đặt trên hai chân chống, gần đáy nòng khoan một lỗ để lắp cơ cấu cò
hay bộ phận phát hỏa đơn giản. Cơ cấu cò đơn giản kiểu bẫy chuột.
Trong
nòng nhồi thuốc phóng (thường dùng thuốc đen), tấm đệm bằng gỗ và các
mảnh gang, sắt, mảnh sành, miểng chai, đinh, đá, bi xe đạp.... (ngâm nọc
rắn, nước tiểu). Cự ly phóng mảnh tới 150 mét, sát thương địch khoảng
cách tới 100 mét. Súng ngựa trời xuất hiện lần đầu ở Bến Tre trong cao
trào Đồng khởi năm 1960.
Dụng cụ chế tạo vũ khí của quân giới miền Tây Nam Bộ trong thời gian đầu chống Mỹ
Năm
1960, trước bối cảnh miền Bắc chưa có điều kiện và khả năng chi viện
nhiều cho miền Nam, đưa tới tình trạng miền Tây Nam Bộ và Bến Tre thiếu
thốn vũ khí nghiêm trọng, và trước tình hình Mỹ-ngụy tăng cường càn quét
liên tục, gây nhiều tội ác, giết người, đốt nhà, gom dân, hãm hiếp,
súng ngựa trời đã được chế tạo để phục vụ cho nhu cầu tự vệ của quân dân
Bến Tre và còn để giải quyết phần nào sự thiếu hụt vũ khí trầm trọng
của Bến Tre.
Từ động cơ đó, các công trường sản xuất vũ khí lần
lượt được xây dựng. Công trường tỉnh đặt ở xã Bình Khánh do hai ông Ba
Tam và Ba Thành phụ trách đã sản xuất và thử nghiệm thành công "súng
ngựa trời". Trận chiến đầu tiên súng ngựa trời xuất hiện không phải là
một trận chống càn, mà chính là một trận tấn công, đó là trận đại đội
264 chủ động chặn đánh Mỹ-ngụy ở An Thạnh, An Hóa (xã Bình Khánh) vào
đầu năm 1960.
Từ đó, không chỉ dùng cho phòng thủ chống càn, súng
ngựa trời trong nhiều trường hợp còn được dùng để chủ động công kích,
như trận phục kích ở ấp 6 Phước Hiệp, Bến Tre, năm 1960. Đó là địa điểm
mà quân dân Bến Tre đoán chắc nhất định giặc sẽ đi qua. Họ liền tập
trung số lượng lớn súng ngựa trời, đào công sự sát bờ mía, lấy lá mía
ngụy trang trận địa. Khi Mỹ-ngụy lọt vào trận địa, các kiểu súng ngựa
trời nổ đồng loạt vào đội hình của giặc. Du kích địa phương từ các hầm
nhảy lên dùng mã tấu đánh giáp lá cà. Bị bất ngờ, Mỹ-ngụy tên nào còn
sống sót là ném hết súng tháo chạy tán loạn.
Loại súng này sau đó
được phổ biến rộng rãi ở miền Nam Việt Nam và được dùng rộng rãi ở miền
Nam, đặc biệt sử dụng để tác chiến chống càn trong chiến tranh du kích ở
đồng bằng sông Cửu Long đầu những năm 60 của thế kỷ 20. Trong trận Phú
Ngãi năm 1961, các đội nữ du kích huyện Ba Tri (Bến Tre) chỉ dùng súng
ngựa trời mà chặn đứng, đánh lui một trận càn của quân đội Sài Gòn và
các sĩ quan Mỹ.
Có hơn 40 kiểu súng ngựa trời, từ cực kỳ thô sơ
(châm ngòi) đến hơi hiện đại (điểm hỏa điện), sau đây là một số kiểu
thường thấy:
Bản gốc
Súng ngựa trời mà nhân dân huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre dùng để bắn chết 7 tên giặc năm 1960. Bản đã sơn sửa.
Súng
ngựa trời quân đội Sài Gòn cướp được ở Kiến Tường năm 1961. Họ trưng
bày chiến lợi phẩm ở Sài Gòn và chú thích là "hàng Trung Cộng". Lưu ý:
Tất cả các vũ khí do quân giới Việt Nam chế tạo sau khi lọt vào tay ngụy
và đem trưng bày, nếu vũ khí nào trông hiện đại thì họ chú thích là
"hàng Nga Sô", còn vũ khí nào trông thô sơ thì họ chú thích là "hàng
Trung Cộng".
Số phận của loại vũ khí này:
Về
sau với sự viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc, Đông Âu (nhất là Đông
Đức), Bắc Triều Tiên và các đồng minh XHCN cho Việt Nam và sự chi viện
từ Bắc vào Nam được đẩy mạnh, thì miền Nam dần không còn phải dùng tầm
vông vạt nhọt, mã tấu, súng ngựa trời và các loại súng tự chế thô sơ để
chống giặc. Súng ngựa trời về sau chỉ còn tồn tại trong viện bảo tàng và
là một biểu tượng tồn tại trong ký ức của nhân dân về tinh thần tự lực
tự cường trong kháng chiến chống xâm lược.
Thiếu Long
(tổng hợp)
http://my.opera.com/thieulongtexas/blog/5vukhivn