Trận đánh Mậu Thân qua lời kể của nguyên thư ký cố thủ tướng Võ Văn Kiệt

Nhân dịp kỷ niệm 41 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 (còn có tên là chiến dịch Nguyễn Huệ), chúng tôi đã có dịp tiếp xúc và nói chuyện với một người cán bộ cách mạng lão thành đã từng có mặt trong những ngày tháng lịch sử đó. Qua lời kể của ông chúng ta hình dung được, sự chuẩn bị cho trận đánh Mậu Thân diễn ra như thế nào, diễn biến của trận đánh và sự trực tiếp chỉ đạo của những lãnh đạo cao cấp… Ông đã dành một buổi sáng để tưởng nhớ và kể lại trận đánh lịch sử năm 1968.

Ông Huỳnh Văn Cang (bí danh Tư Cang) nguyên là thư ký của ông Võ Văn Kiệt trong giai đoạn đánh Mỹ. Một trong những người đầu tiên chuẩn bị cho trận đánh Mậu Thân ở Sài Gòn này. Ông Tư Cang mặc dù tuổi đã cao nhưng ông kể lại trận đánh một cách chi tiết khiến chúng tôi phải kinh ngạc, ngỡ như là trận đánh Mậu Thân chỉ diễn ra mới ngày hôm qua. Có lẽ vì sự kiện Mậu Thân có vai trò đặc biệt quan trọng mà với ông không bao giờ quên được. Để mô tả cho tính chất của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, đồng chí Lê Duẩn nói: “Một cú đập lớn để tung toé ra các khả năng chính trị”. Và đúng như những gì ông nói thì trận đánh Mậu Thân là một điểm nhấn rất lớn và ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Trận Tết Mậu Thân là một tổng công kích và tổng nổi dậy của quân và dân miền Nam. Không chỉ riêng ở thành phố Sài Gòn mà là nơi diễn ra những trận đánh ác liệt, mà Huế cũng được biết đến như là một thành trì vững chắc và được nắm giữ lâu nhất trong cuộc tổng tấn công Mậu Thân 1968.

Từ mùa khô 1966 – 1967, quân dân mình tiến công mạnh và giành thắng lợi lớn trên chiến trường miền Nam. Đặc biệt là chiến dịch Junction city (Gian-xơn Xi-ty) đã đánh một đòn mạnh mẽ vào quân viễn chinh Mỹ. Sau thất bại này, Mỹ - ngụy chuyển từ thế phản công chiến lược sang thế phòng ngự chiến lược. Vào tháng 1 – 1967, hội nghị Trung ương 13 (khóa III) có bước chuẩn bị cho tổng công kích – tổng khởi nghĩa. Ngày 25 – 10 – 1967, Trung ương Cục miền Nam đã ra nghị quyết về tiến hành tổng công kích – tổng khởi nghĩa (gọi là nghị quyết Quang Trung và ráo riết chuẩn bị).

Chủ trương của quân dân miền Nam là tấn công vào đô thị với mục đích là làm nản ý chí xâm lược của Mỹ, tạo bước ngoặt của cục diện chiến tranh. Buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh và chịu lên bàn đàm phán trong thế kém. Đồng thời bên cạnh đó phát huy mặt trận nhân dân trong và ngoài nước chống đế quốc Mỹ. Đây là chủ trương mang tính chất chiến lược táo bạo của cách mạng Việt Nam.

Ông Huỳnh Văn Cang khi đó là một chiến sĩ với giác ngộ lí tưởng cách mạng từ lúc còn trẻ đã tham gia hoạt động cách mạng trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp. Sau hiệp định Geneve 1954 về Việt Nam thì ông tập kết ra Bắc. Đến 1965, ông trở lại miền Nam. Tại đây ông được phân công xuống Sài Gòn – Gia Định làm cán bộ tuyên huấn. Đến 6 – 1967, ông được điều về làm thư kí cho đồng chí Phan Đức (Tư Trường) là ủy viên thường vụ của Sài Gòn – Gia Định, bí thư phân khu I trong 6 phân khu trọng điểm trung tâm chính của Sài Gòn.

Lúc này khu trọng điểm được chia ra như sau:

Phân khu I : Củ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp, một phần các huyện Trảng Bàng, Bến Cát, Dầu Tiếng.
Phân khu II : Bình Tân, quận 3, 5, 6 và bắc Long An
Phân khu III : Nhà Bè, quận 2, 4, 7, 8 và nam Long An
Phân khu IV : Thủ Đức, quận 1, Long Thành, Nhơn Trạch
Phân khu V : Bình Hòa, Phú Nhuận, Dĩ An, Lái Thiêu, Phú Giáo, Tân Uyên
Phân khu VI : Nội đô Sài Gòn.

Cũng trong giai đoạn này ông đi lên Tây Ninh để gặp đồng chí Phan Đức (Tư Trường) thì lúc này ông được gặp ông Võ Văn Kiệt. Với sự thông minh và nhanh nhẹn của mình ông điều sang trực tiếp giúp việc cho đồng chí Võ Văn Kiệt (bí thư khu ủy Sài Gòn – Gia Định).

Phần I: Quá trình chuẩn bị cho trận đánh Mậu Thân

Lúc này có chỉ thị “Tất cả xuống đường” thì ông cùng với hai đồng chí là Ba Minh – phó công an quận 5 và đồng chí Phạm Thanh Vân – trưởng phòng chính trị đi tiền trạm do sự phân công của đồng chí Võ Văn Kiệt giai đoạn này là tháng 8 năm 1967. Đi từ căn cứ R (Căn cứ trung ương cục) xuống Ba Thu (khu đất Campuchia tiếp giáp Long An). Từ đây đi thẳng xuống Bến Lức qua lộ số 4 (quốc lộ 1) rồi đi xuống Cần Đước. Đi nhằm mục đích xây dựng căn cứ với mục đích chuẩn bị cho cuộc hành quân sắp tới của đồng chí Võ Văn Kiệt (trong thời gian này anh Kiệt là Tư lệnh của mặt trận tiền phương). Trước khi cuộc hành quân của anh Sáu Kiệt đã nhận được nhiều lời khuyên của các đồng chí khác.

Thiếu tướng Thạnh (Ba Thạnh) có khuyên rằng: “Xuống chiến trường rất nguy hiểm, nên ở lại Ba Thu chỉ đạo. Nếu bây giờ mà vô Sài Gòn thì không an toàn”. Lời khuyên của anh Ba Thạnh rất được nhiều các đồng chí khác đồng tình. Nhưng lúc này anh Sáu Kiệt nói: “Tôi là tư lệnh của mặt trận tiền phương Tây Nam, thì tôi phải đi xuống chiến trường”. Theo anh Sáu, với vai trò là Tổng chỉ huy mặt trận tiền phương Nam, anh không thể đứng ngoài cuộc mà phải đi vào mặt trận, không thể sợ chết mà ở ngoài được. Thế là anh Kiệt cùng với anh Trần Bạch Đằng (phó tư lệnh mặt trận) và hơn 100 cán bộ từ R mà đi thẳng xuống Long An băng qua lộ số 4 về xã Long Cang (huyện Cần Đước) vào đêm 30 Tết.

Tại một ngôi đình của xã Long An do không biết có bị lộ hay sự trùng hợp thì thời điểm này pháo của địch bắn hơn 100 trái tại đây. Nhưng thật may mắn là không có thương vong đáng kể. Sang mùng một Tết thì đoàn của anh Sáu Kiệt đi thẳng xuống một quán cơm ở xã Hưng Long (Nam Bình Chánh). Và ngay trong đêm cả đoàn đi xuồng máy tiến vào quận 8 ở giữa cầu Bà Tàng và đình Bình Đông (nơi mà bác Tôn Đức Thắng và nhiều người cách mạng đã hoạt động tại đây). Xóm này mọi người gọi là xóm Hố Bần.

Phần II: Diễn biến của cuộc Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968

Ngày 31 – 1 – 1968 (mùng 1 tết): Chiến dịch Mậu Thân bắt đầu xảy ra, Biệt Động Sài Gòn của ta đánh vào các cứ điểm: Tòa Đại Sứ Mỹ, Dinh Độc Lập, Đài Phát Thanh… Đây là những mục tiêu trọng điểm của Sài Gòn.

1h30 thì tiếng súng tấn công vào Dinh Độc Lập, tại đây cuộc chiến diễn ra hết sức ác liệt. Đội 5 do đồng chí Tô Hoài Thanh chỉ huy đã tiêu diệt 3 xe lính. Tuy đói và mệt nhưng các chiến sĩ vẫn chiến đấu suốt ngày 31 – 1, đánh lui nhiều đợt phản kích của địch, diệt hành chục tên. Toàn đội hy sinh 7 người, số còn lại buộc phải rút vào nhà dân cố thủ trên lầu 3 chiến đấu.

Lúc này mình đã chiếm giữ Đài Phát Thanh đây là cơ quan thông tin đầu não của địch, địch hết sức hoang mang vì thiếu thông tin từ bộ chỉ huy. 6 giờ sáng ngày hôm sau thì thủy quân lục chiến và thiết giáp địch bao vây đài phát thanh dày đặc trước tình huống đó thì 2 đồng chí dùng thuốc nổ phá hủy đài và anh dũng hi sinh.

1h45p thì đội biệt động số 11 gồm 17 cán bộ do đồng chí Ngô Thành Vân (ba Đen) chỉ huy dùng bộc phá đánh thủng mảnh tường sát gần lô cốt góc đường Thống Nhất – Mạc Đỉnh Chi đột nhập vào khuôn viên tòa đại sứ. Đánh chiếm từ tầng 1 đến tầng 3. Đến 5h sáng hôm sau thì trước sự kháng cự quyết liệt của Mỹ - Ngụy, bên ta bị thương và hi sinh gần hết. Đến 9h thì địch tràn gập đại sứ quán Mỹ, chỉ còn một mình Ba Đen bị thương. Anh cũng là nhân chứng duy nhất còn lại của trận đánh Đại sứ quán Mỹ tết Mậu Thân. Trong khi đó một cách quân sự khác tiến công chiếm một phần quận 8, cầu Nhị Thiên Đường, cầu chữ Y, cầu Chà Và làm bàn bàn đạp để tiến sâu vào nội ô.

Đánh chiếm Đại Sứ Mỹ, Dinh Độc Lập và Đài Phát Thanh tuy giữ không được lâu nhưng tạo một sự kiện gây chấn động dư luận của thế giới, nhất là nhân dân Mỹ. Xóa đi cái “lừa dối” xưa nay của địch là miền Nam đã gần bình định xong, Sài Gòn rất ổn định, Việt Cộng không thể nào xâm phạm vào thành phố và nhất là dinh thái thú “bất khả xâm phạm”: Đại Sứ Quán Mỹ tại miền Nam Việt Nam.


(Xác hai tên lính Mỹ trong trận đánh tại Đại sứ quán)

Đại Sứ Mỹ giữ không được, Dinh Độc Lập cũng bị đánh thì làm gì có cái hi vọng mà thắng lợi. Ông Tư Cang rất tâm đắc với câu nói của ông Trần Trọng Tân nói: “Đánh Dinh độc lập và Đại sứ Mỹ là cái rốn để rúng động, là trọng điểm của trọng điểm”.

Mùng 3 tết sau đó địch phản công dữ dội khiến bộ chỉ huy phải rút về xã Huy Đức – Hưng Long để tiếp tục chỉ đạo. Anh Bạch Đằng và thiếu tướng Hải Phụng cùng một số lực lượng vũ trang tiến sâu vào cảng Bình Đông (quận 8) còn anh Kiệt thì ở tại chỗ Hố Bần để chỉ huy.

Tối mùng 3, thì đồng chí Nguyễn Đức Hùng – chỉ huy trưởng biệt động Sài Gòn được giao liên dẫn đường đến gặp trực tiếp anh Kiệt để báo cáo tình hình. Thì các anh xác nhận chiến sĩ biệt động chiến đấu hết sức dũng cảm, đạt được tiến quan hết sức lớn. Mặc dù sự hi sinh của anh em hết sức cảm động nhưng sự hi sinh đó là sức mạnh để làm chuyển biến tình hình.

Tối mùng 4 thì anh Kiệt rút quân qua xã Huy Đức và xã Hưng Long (Nam Bình Chánh) trụ lại ở đây và chỉ đạo. Lúc này bộ phận đi theo anh Kiệt khá đông nên rất dễ bị phát hiện nên phân công cho ông Tư Cang dẫn gần 100 cán bộ (điện đài, mật mã, cơ yếu y tế…) trở về xã Phước Vân, huyện Cần Đước để trụ lại tiếp tục hoạt động.

Có một sự kiện xảy ra, địch tổ chức cuộc càng bố thì lúc này anh Kiệt đang ở nhà của đồng chí Lùn bí thư xã Huy Đức. Địch đã đến rất gần, thì gia đình mở bộ ván để chui xuống hầm bí mật. Và bộ ván được làm lại như cũ, ngồi trên bộ ván đó là gia đình của đồng chí Lùn sinh hoạt bình thường nhằm che mắt địch. Những người ở phía trên nắp hầm rất lo lắng cho tính mạng của anh Sáu vì địch đi càng rất lâu, sợ anh Sáu sẽ bị ngạt.

Lúc địch càng qua thì người nhà mở nắp hầm cho anh Kiệt lên và anh Kiệt không bị gì cả. Nếu một người bình thường thì có thể bị ngất xỉu và thậm chí có thể tử vong nhưng với phẩm chất và ý chí kiên cường của con người cách mạng đã giúp đồng chí vượt qua những lúc khó khăn và nguy hiểm nhất.

Trước ngày 5 – 5 – 1968 thì ông Tư Cang có trở vô Xã Đông Thạnh (Cần Giuộc) để chuẩn bị cho đợt 2. Nếu có điều kiện thì vào xã Đa Phước (Bình Chánh) để trở lại quận 8. Nhưng tình hình lúc này hết sức khó khăn nên ông phải ở lại Phước Vân.

Một câu chuyện xảy ra với ông Tư Cang:

“Khi về tới xã Phước Vân để hoạt động thì địch bắn pháo điểm ngay căn cứ làm việc. Địch bắn pháo điểm cách ông Tư Cang khoảng 10m, lúc này ông Tư Cang đang ngồi viết báo cáo. Khói mù mịt, ông bắt đầu thu gom tài liệu để chuẩn bị xuống công sự ẩn náu. Lúc này đồng chí Út Đức (Nguyễn Văn Đức, xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi) – bảo vệ ban công vận, đứng trên công sự quan sát thì đồng chí thấy tôi chậm vì lo thu xếp tài liệu. Thì đồng chí chạy lại ôm tôi bỏ tôi xuống công sự, đồng chí nhảy xuống sau. Thì lúc này máy bay địch đã tới oanh tạc, đồng chí đã nhảy xuống công sự nhưng phần đầu chưa xuống hết nên đã bị một viên bi trong trái bom bi xuyên ngang đầu và chết ngay trên lưng của tôi. Nếu đồng chí sợ chết thì đồng chí sẽ ẩn náu ngay từ đầu, nhưng vì đồng chí lo cho tôi nên phải hi sinh” – Ông Tư Cang kể lại với giọng nói hết sức xúc động.

(Sau trận bom, thì tôi và các đồng chí khác chôn Út Đức ngay tại công sự đó. Tối đó thì có làm một cái mộ và bia. Sau 1975, trở về tìm mộ thì ngay ngôi mộ đó là một hố bom. Theo sự kể lại của người dân, sau đó máy bay tiếp tục oanh tạc và thả bom ngay trúng ngôi mộ của đồng chí. Lúc này tôi không tìm được hài cốt chỉ tìm được cái bia lỗ chỗ đạn và lúc này tôi cùng ông Ba Minh lấy một nắm đất dưới hố bom đem về nghĩa trang Thành phố để làm mộ giả.)

Đợt 2 nổ ra ta tấn công vào Sài Gòn và các đô thị lớn ở miền Nam đúng kế hoạch nhưng yếu tố không còn yếu tố bất ngờ. Khác với lần này ta không dùng lực lượng đặc công, biệt động đánh vào mục tiêu mà sử dụng lực lượng tổng hợp bao gồm các lực lượng mũi nhọn, biệt động các ban, ngành, đoàn thể và một bộ phận chủ lực Miền, tiến công sâu vào khu vực mục tiêu trong nội đô, trụ lại đánh địch phản kích nhiều ngày.

Trong hơn 1 tháng liên tục tiến công (4 -5 đến 18 – 6 – 1969), ta đã gây cho địch nhiều tổn thất về sinh lực và phương tiện chiến tranh, tiếp tục đánh mạnh vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.

Đợt 3 (17–8–1968), ở Sài Gòn – Gia Định do thực tiễn có nhiều khó khăn, khả năng dùng lực lượng từ xa đánh vào Sài Gòn gặp nhiều hạn chế nên phải chuyển hướng chiến trường trọng điểm sang Tây Ninh, dọc biên giới Campuchia và một số địa phương ở miền Đông Nam Bộ nhưng diễn ra yếu và rời rạc. Lợi dụng tình hình đó, địch đẩy mạnh bình định, tấn công giành lại nhiều vùng đã mất, tiến sâu vào các cùng giải phóng, căn cứ của ta.

Trong sự việc “Bộ tư lệnh tiền phương” của anh Kiệt và anh Bạch Đằng đã cử một phận nhỏ đi tiền phương và sau đó là anh Kiệt trực tiếp đi vào nội thành. Ông Tư Cang nhận định: “Chưa có một đồng chí trung ương nào mà trong tết Mậu Thân vô tới nội thành như ông Võ Văn Kiệt”. Mặc dù có nhiều lời khuyên anh Kiệt ở lại căn cứ nhưng anh Kiệt vẫn kiên quyết vào nội thành. Cho thấy anh Kiệt là một con người không ngại hiểm nguy, sẵn sàng có mặt tại nơi hiểm yếu nhất để trực tiếp chỉ đạo trận đánh.

Phần 3: Nhận định và đánh giá kết quả trận Mậu Thân

Sau đợt phản công lần thứ 3 thì nhận chỉ thị rút về Ba Thu, rồi trở về R. Tại đây có làm một bản bảo cáo tổng kết nhanh trong đó đánh giá một số đơn vị tổ chức anh hùng:

Biệt Động Sài Gòn rất anh dũng và oai hùng. Rồi chuyện 34 nữ dân quân tải thương, tải đạn hi sinh toàn bộ. Chiến công của cánh Hoa vận (người Hoa hoạt động cách mạng) đánh chiếm tòa hành chánh quận 5. Những hành động cảm động của đồng bào che giấu, cứu chữa cho cán bộ, chiến sĩ…

Hội nghị đánh giá chủ trương: “Tổng công kích chiến lược vào đô thị thì đó là chủ trương đúng và táo bạo”. Tuy hợp đồng giữa các đơn vị chưa chặt, chưa phát huy hết khả năng nhưng những cái trọng điểm đã làm rất tốt. Hai bên hi sinh và thiệt hại nặng nề nhưng trả giá cho thắng lợi đó thì hết sức cần thiết.

Từ chủ trương của Bộ chính trị: “Đánh phối động vô đô thị” – thì đó là chủ trương chiến lược, rất đúng và rất quyết tâm. Thì dựa vào tiêu chí đó thì đánh giá rằng tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân là đạt được mục tiêu.

Nhận định đánh giá sau trận Mậu Thân là yêu cầu làm lung lay ý chí xâm lược của địch đã đạt được. Sau Tết Mậu Thân thì nhân dân thế giới nhất là nhân dân Mỹ thức tỉnh, đứng lên chống chiến tranh. Làm thất bại chiến lược “chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán. Tạo nên sự phân hóa, chia rẽ cao độ đối với kẻ thù, thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước và cách mạng trong lòng nhân dân đô thị cùng với các đồng bào nhiều địa phương toàn miền. Bên cạnh đó còn thúc đẩy cao phong trào phản chiến của chính binh lính Mỹ

Ông kết thúc câu chuyện mà để lại trong chúng tôi một cảm giác tự hào và biết ơn trước những gì mà ông cha đã hi sinh xương máu đem lại sự tự do, độc lập cho đất nước và dân tộc Việt Nam. Trước khi ra về chúng tôi cảm ơn, chúc sức khỏe ông và đồng thời có hỏi ông một câu hỏi là: “Ông có lời khuyên gì cho thế hệ trẻ sau này”

Ông Tư Cang nói:“Con đường tương lai rất rộng mở và rất cần người tài. Ráng học, làm việc một cách hết mình. Phải có nhuệ khí và bản lĩnh của Việt Nam. Ở trên Thế giới dân tộc nào cũng cho mình là anh hùng nhưng anh hùng như dân tộc Việt Nam thì ít có. Cho nên thế hệ trẻ phải kế thừa và tiếp tục phát huy bản sắc anh hùng đó, để xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh.”

Dũng Lê



Huỳnh Văn Cang (bí danh Tư Cang)

Sinh 1928, quê quán xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi

Hồi nhỏ học ở trường Trung Học Lê Bá Cang ở Sài Gòn

Khi Nhật đảo chánh thì nghỉ học về quê tham gia lực lượng “Thanh niên tiền phong”

Năm 1946: Đi kháng chiến chống Pháp, là cán bộ Thanh Niên cứu quốc cùng với đồng chí Phan Văn Khải bên ban “Công tác thiếu nhi”

1949: Học trường trung học kháng chiến “Thái Văn Lung”

1950: Cơ yếu cho xứ ủy và ủy ban kháng chiến tỉnh Nam Bộ

1954: Tập kết ra Bắc

1965: Cán bộ tuyên huấn khu Sài Gòn – Gia Định. Làm thư ký cho ông Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ

1975: Chủ tịch UBND quận 11

1983: Giám đốc sở thương binh xã hội Tp.HCM.

1995: Về Hưu.

Hiện nay: Phó chủ nhiệm CLB truyền thống kháng chiến Tp.HCM