Tinh thần Điện Biên Phủ




Trận Điện Biên Phủ là một trận quyết chiến chiến lược và là trận đánh lớn nhất trong kháng chiến chống Pháp, diễn ra tại lòng chảo Mường Thanh, châu Điện Biên, tỉnh Lai Châu (nay thuộc thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) giữa quân đội Pháp và quân đội Việt Minh. Đây là chiến thắng quân sự lớn nhất trong thời kỳ kháng Pháp suốt gần 100 năm của Việt Nam. Bằng thắng lợi quyết định này, quân đội Việt Nam do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã buộc lực lượng Pháp-ngụy tại Điện Biên Phủ phải đầu hàng vào tháng 5 năm 1954. Sau khi bại trận, Pháp phải ký vào hiệp định Genève về Đông Dương, trong vòng 2 năm phải rút quân hết ra khỏi bán đảo Đông Dương, trả lại độc lập và tôn trọng sự thống nhất - toàn vẹn lãnh thổ của Việt - Miên - Lào. Năm 1956 sẽ tổng tuyển cử tự do trên cả nước để chính thức thống nhất hoàn toàn Việt Nam.

Trận đại thắng và toàn thắng này, chiến công rực rỡ và chói lọi này có một ý nghĩa quốc tế rất to lớn: Đây là lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, quân đội của một nước thuộc địa phương Đông đánh thắng một quân đội thực dân của một siêu cường phương Tây. Sau sự kiện rung chuyển thế giới này, các thuộc địa khác trên thế giới, nhất là ở Á - Phi cũng noi gương đồng loạt nổi dậy. Đến năm 1967, Pháp trước những áp lực chống đối gay gắt, đã buộc phải trao trả quyền độc lập cho tất cả các nước là thuộc địa của Pháp.

Trong tư liệu còn giữ ở Kho lưu trữ Trung ương Đảng (phòng 11, mục lục số 2, đơn vị bảo quản số 742), có một bức thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lúc đó lấy bí danh là “Hưng”, được gởi hỏa tốc ngày 30-1-1954 từ tiền tuyến Điện Biên Phủ đến các lãnh đạo Đảng lúc bấy giờ là Hồ chủ tịch, Trường Chinh và Bộ Chính trị có nội dung tường trình quyết định chuyển từ phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Ban đầu, phương châm "đánh nhanh, giải quyết nhanh" được đa số cán bộ, đảng viên, đoàn cố vấn Trung Quốc, và chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đồng tình. Lý do theo bức thơ kể trên là:

"Lựu pháo và cao pháo của ta bố trí ở Bắc và Tây Bắc chỉ hợp với kế hoạch đánh nhanh, không hợp với kế hoạch đánh từng bước vì từ đường ôtô kéo vào phải dùng trên một đại đoàn bộ binh kéo trong 8 đêm, trước báo cáo là chỉ cần hai đêm, nếu chiến sự phát triển không thuận lợi thì tiến lui đều khó."

Và lý do thay đổi cách đánh là:

Chúng tôi nhận thấy đối với một kẻ địch đã tăng cường như ở Điện Biên Phủ thì phải dùng cách đánh tiêu diệt từng bước, trong giai đoạn đầu tiêu diệt sinh lực chúng ở ngoại vi, đồng thời tìm cách tiêu hao chúng, khống chế sân bay để hạn chế hoặc triệt đường tiếp tế của chúng trong một thời gian khá dài. Vì vậy chúng tôi quyết định:

a) Tạm định ngày nổ súng, điều chỉnh lại bộ đội cho hợp với kế hoạch mới. Vận chuyển các cao pháo và trọng pháo trở lại phía Đông để có thể sử dụng cơ động và đợi khi hệ thống đường kéo pháo phía Đông Điện Biên Phủ làm xong sẽ sử dụng. Lệnh chuyển pháo đã được thi hành trong đêm 26, cần phải bảy hôm mới hoàn thành.

b) Nghiên cứu kế hoạch tiếp tục chuẩn bị về các mặt tân binh, đạn dược, lương thực, đủ đánh cho đến cuối tháng 4. Đường sá từ Yên Bái đến Điện Biên Phủ phải bảo đảm cho xe chạy được trong cả thời gian đó. Làm thêm nhiều con đường cho xe kéo pháo chạy đến gần Điện Biên Phủ để có thể điều động pháo theo nhu cầu chiến đấu. Kế hoạch này chia từng bước để tiến hành, định đến 10-2 thì hoàn thành bước thứ nhất.

c) Trong lúc ở đây tích cực chuẩn bị thì nhanh chóng và bí mật điêu động toàn Đại đoàn 308 sang phía lưu vực sông Nậm hu, bao vây và tiêu diệt từ 4 đến 5 tiểu đoàn địch hiện đóng từ Mường Khoa đến Mường Ngòi. Chiều 26, trung đoàn đầu tiên của Đại đoàn 308 đã lập tức xuất phát, 27 toàn bộ xuất phát, dự liều vào khoảng 30 hay 31 thì hoàn thành bao vây địch. Nếu địch bỏ chạy thì truy kích. Nếu ta thắng ở mạn đó thì tình hình ở Điện Biên Phủ và ở Luông Phabăng có thể thay đổi ít nhiều.


Trong hồi ức "Điện Biên Phủ xưa và nay" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đăng trên Tạp chí Xưa & Nay, số 2, tháng 3 năm 1994, Đại tướng cũng đã nói rõ ràng, cụ thể hơn lý do vì sao thay đổi phương châm tác chiến:

Quyết tâm rất cao, nhất trí từ trên xuống dưới, gần như không ai có ý kiến khác và trên chiến trường thì pháo đã kéo vào trận địa, quân đã ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Chuyên gia của bạn cũng nhất trí từ đầu. Dự kiến sẽ đánh trong 3 đêm 2 ngày.

Chính vào thời điểm ấy, như một linh cảm, hay đúng hơn là kết quả của một quá trình suy nghĩ theo theo tư tưởng đánh chắc, thắng chắc, theo lời dặn của Bác: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”, tôi đã cho đi sâu theo dõi thực tiễn tình hình địch, đánh giá cho đúng mọi vấn đề trước giờ nổ súng. Mặc dù, như mọi lần vào trước trận đánh, tôi còn có thới quen yêu cầu mọi người phát biểu cho hết những khó khăn của mình, nhưng lần này tất cả đều nhất trí với cách đánh nhanh. Đảng ủy mặt trận họp cũng quyết định như vậy, mà Bác và Trung ương thì lại ở xa.

Tôi yêu cầu anh em quân báo ở Cục 2 trinh sát kiểm tra lại tình hình thì được biết: địch có chiều hướng đổ quân thêm càng đông, công sự và hệ thống phòng ngự xây ngày càng kiên cố. Những động thái của địch cần được đánh giá lại. Thí dụ trước đó thấy địch càn quét đốt phá một số bản làng chỉ cho rằng nó khủng bố nhân dân, sau theo dõi mới biết chúng lấy gỗ, đá về củng cố công sự...

Phân tích lại thì thấy, đến lúc này mà ta thực hiện chủ trương đánh 3 đêm 2 ngày thì cánh quân của ta từ hướng tây vượt qua cánh đồng Mường Thanh bằng phẳng chẳng khác gì phơi mình cho hỏa lực của địch gây thương vong. Ở Điện Biên Phủ, địch có hỏa lực rất mạnh về pháo binh, xe tăng, lại được tăng cường bằng không quân. Lực lượng pháo binh của ta lần đầu ra quân với quy mô lớn hợp đồng tác chiến với bộ binh trên toàn chiến trường, sau một nỗ lực phi thường và rất gian khổ đã đưa được một bộ phận quân pháo vào trận địa sẵn sàng tác chiến. Đồng chí Phạm Kiệt đi sát pháo binh bằng điện thoại đã cho biết lúc này pháo vẫn phơi mình trên mặt đất, chỉ kịp làm công sự dã chiến ban ngày địch mà phát hiện thì thật nguy hiểm.

Cũng qua đường dây điện thoại, tôi kiểm tra lại cánh quân của anh Lê Trọng Tấn đánh từ phía bắc đánh xuống. Anh Tấn là một tướng đánh giỏi, từng trải, đã trả lời rằng: Nếu thực hiện cách đánh nhanh, quân của anh phải đột phá liên tục qua ba phòng tuyến, rất khó khăn nhưng sẽ cố gắng…

Tổng hợp lại tình hình, tôi thấy rằng quan trọng của chiến sĩ ta rất cao nhưng nếu đánh nhanh thắng nhanh thì tổn thất sẽ rất lớn, chắc chắn sẽ thất bại… Ta đã xây dựng các đại đoàn từ trước khi mở thông biên giới (1950), nhưng kinh nghiệm đánh thì mới chỉ tiêu diệt cỡ tiểu đoàn địch phòng ngự trong công sự, chưa lần nào đánh lớn như Điện Biên Phủ, cũng lại là lần đầu hợp đồng tác chiến lớn với pháo binh mà chưa từng lâm trận…

Những ý nghĩa ấy khiến tôi đi đến quyết định thay đổi cách đánh gần như vào giờ chót. Lúc đầu ta đã quyết định giờ N là 17 giờ ngày 25 tháng 1 năm 1954, sua đó do có một chiến sĩ ta bị bắt nên quyết định lùi lại 24 tiếng. Và, trong buổi sáng của ngày nổ súng, tôi đã đưa vấn đề ra Đảng ủy, đi đến quyết định hoãn cuộc tiến công, lui quân ra và chuyển sang cách đắng chắc - thắng chắc… Và thực tế đã chứng minh đó là một quyết định đúng đắn và kịp thời.

Về quyết định này, tôi đã viết khá kỹ trong bài “Quyết định khó khăn nhất” đăng trong báo Nhân dân tháng 5 năm 1989 và vừa rồi đăng lại dưới nhan đề “Mùa xuân Điện Biên Phủ” trên Tạp chí Lịch sử Quân sự 2 số đầu năm nay, nhưng ở đây tôi nuốn nhắc lại một lần nữa rằng, bài học sâu sắc đối với tôi qua quyết định này chính là làm sao có thể phát huy được cao nhất trí tuệ và sức sáng tạo của con người vào những thời điểm quyết định. Nhớ lại cái không khí “Dân chủ nôi bộ” khi đó, ta thấy rất quý cái quyết tâm, sự nhất trí của mọi người, nhưng rõ ràng nếu chưa trình bày hết thực chất của vấn đề, chưa tạo được không khí dẫu chưa đánh thức tính chủ động, bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm của mỗi người thì sự nhất trí ấy, quyết tâm ấy có thể trở thành “duy ý chí”, hay chỉ là sự nhất trí không có cơ sở của cấp dưới với ý kiến đề xuất của cấp trên. Ngay sau khi có quyết định thay đổi cách đánh, tôi xin ý kiến của Bác và anh Trường Chinh. Cũng như sự tin cậy của Trung ương đã giao phó trước khi vào chiến dịch, tôi đã nhận được sự ủng hộ hoàn toàn. Còn khi tôi ra lệnh cho các đơn vị: Đình chỉ nổ súng, kéo pháo ra, Đại đoàn 308 lập tức hành quân nghi binh sang Lào… thì sự đáp lại không chỉ là sự chấp hành tuyệt đối mệnh lệnh cấp trên mà phần nào còn là sự giải tỏa những băn khoăn mà cấp dưới chưa dám nói ra… Sau khi tôi hỏi anh Phạm Ngọc Mậu nghĩ gì khi được lệnh rút pháo khỏi trận địa, anh cười và nói rằng: “Được lời như cởi tấm lòng”… Nhiều anh em khác sau này cũng tâm sự như vậy. Nhưng không phải như hồi kỷ niệm 30 năm, có người nói rằng ngay từ khi đưa ra cách đánh nhanh thắng nhanh, “nhiều người đã thắc mắc”. Cần nhắc lại rằng ngay trong buổi họp Đảng ủy cuối cùng để quyết định thay đổi cách đánh, chi khi đặt vấn đề: “Đánh nhanh có chắc thắng 100% không?” thì mọi người nhất trí và đi đến quyết định cuối cùng.


Trong bài tham luận "Điện Biên Phủ, biểu tượng của sức mạnh Việt Nam" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, gởi Hội thảo “Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và công cuộc đổi mới, phát triển đất nước” do Viện Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên tổ chức ngày 7-3-2004, Đại tướng cũng nói:

Suốt 11 ngày đêm theo dõi tình hình, tôi thấy địch ngày càng tăng cường lực lượng, ra sức củng cố trạn địa, và những khó khăn của ta chưa có cách khắc phục.

Nhiều đêm trăn trở, cân nhắc, đêm cuối cùng thức trắng, tôi đi đến kết luận; đánh theo cách này nhất định thất bại. Sáng ngày 26 tháng 1, tô đã trao đổi ý kiến thống nhất với đồng chí trưởng đoàn cố vấn, tiếp đó dưa ra Đảng ủy mặt trận bàn thay đổi cách đánh. Cuộc thảo luận trong Đảng ủy đã diễn ra gay go sôi nổi, tất cả đều cho rằng bộ đội quyết tâm cao, mọi mặt đã chuẩn bị, phải đánh nhanh, nếu không sẽ khó khăn, mất thời cơ. Nhưng khi đặt ra câu hỏi: vậy đánh nhanh có bảo đảm chắc thắng 100% như Bác Hồ căn cặn không? thì không ai dám khẳng định. Cuối cùng Đảng ủy đã đi đến nhất trí phải chuyển sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc” - một phương án đã từng dự kiến trước đây. Mặc dầu mấy vạn quân ta đã dàn trận, đạn đã lên nòng sẵn sàng nổ súng vào đêm 26 tháng 1, nhưng chúng ta đã kiên quyết dừng lại, cho lui quân về vị trí tập kết, kéo pháo ra để chuẩn bị trận địa đánh theo phương án mới. Quyết định thay đổi phương châm đã được triển khai, sau đó báo cáo về Trung ương bằng thư hỏa tốc, được Bác Hồ và Bộ Chính trị nhất trí và cho biết sẽ động viên hậu phương đem toàn lực chi viện cho tiền tuyến đánh thắng.

Thay đổi cách đánh trong tình thế toàn mặt trận từ trên xuống dưới quyết tâm chiến đấu theo phương án đánh nhanh giải quyết nhanh, các đơn vị đã lâm vào vị trí chiến đấu, chờ giờ nổ súng là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của tôi.


Cũng trong bài tham luận đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã làm rõ một tư tưởng vượt thời gian mà ngày nay vẫn còn nguyên giá trị:

Tinh thần Điện Biên Phủ là tinh thần tôn trọng thực tế, nắm vững quan điểm thực tiễn, không chủ quan duy ý chí, luôn bám sát sự phát triển của thực tiễn, khi thấy tình hình thay đổi thì mục tiêu tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ vẫn giữ vững, nhưng kiên quyết thay đổi cách đánh, dù cách đánh ấy đã thành Nghị quyết đang triển khai, tìm ra cách đánh phù hợp để giành thắng lợi.

Và nhiều lời hay ý đẹp, nội dung chính trị sắc sảo, tinh tường sau đó trong bài tham luận đã liên kết ý tưởng này với công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng CNXH ngày hôm nay. Đại hội Đảng lần thứ 6 năm 1986 với sự thật thà, can đảm nhìn thẳng vào sự thật của các lãnh đạo Nguyễn Văn Linh, Trường Chinh, Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng và cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp v.v. chính là biểu hiện sinh động nhất và rõ rệt nhất của "tinh thần Điện Biên Phủ". Tinh thần đó đã giúp Đại hội Đảng lần thứ 6 tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội, thể hiện quan điểm đổi mới toàn diện đất nước, đặt nền tảng cho việc tìm ra con đường thích hợp đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Những chủ trương, chính sách mới đã gợi mở, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, giải phóng năng lực sản xuất của xã hội để mở đường cho phát triển sản xuất.

Sở hữu những vũ khí lý luận sắc bén của Chủ nghĩa Marx-Lenin, nghệ thuật ngoại giao của Tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng quân sự Võ Nguyên Giáp, và tinh thần Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp, chúng ta có thể yên tâm về mặt lý luận về con đường đi lên CNXH, công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ tổ quốc. Vấn đề còn lại là làm sao từ những lý luận cơ bản đó mà thực hành cho tốt và sáng tạo trong từng việc làm cụ thể trong thực tiễn cuộc sống, thực tế xã hội.