Hội Luận về Hoàng Sa - Trường Sa ở Berkeley University, California, Hoa Kỳ

Vào ngày Thứ Bảy 8/3/2008, đã có một buổi hội thảo về Hoàng Sa & Trường Sa và tình hình Biển Đông nói chung, vào lúc 5:00pm (5 giờ chiều) tại trường Đại Học Berkeley do Berkeley Vietnamese-American Student Association tại trường này tổ chức. Người tham dự hầu hết là sinh viên ở lứa tuổi 20 - 30. Diễn giả là các anh Vinh Trần (tốt nghiệp khoa sử học tại University of Chicago), anh Lân Nguyễn (tốt nghiệp khoa chính trị học ở University of San Diego) và cô Liên Trần (sinh viên cao học phân khoa chính trị, Berkeley University, một trong những sáng lập viên của nhóm VietWill - www.vietwill.net). Trưởng ban tổ chức là cô Christie Hồ, hội phó ngoại vụ của Hội Sinh Viên Việt Nam tại đây.

Vì ở xa, anh Vinh Trần đã trình bày chủ đề qua hệ thống truyền hình trực tiếp. Cách nói chuyện của anh chứng tỏ anh nắm khá vững vấn đề, tuy nhiên vì trở ngại kỹ thuật từ hình ảnh tới âm thanh nên cử tọa cũng khó nghe được. Điểm son của cả người thuyết trình lẫn cử tọa là sự kiên nhẫn và kỷ luật để chờ đợi người trách nhiệm điều chỉnh kỹ thuật xảy ra hầu như… mỗi phút một lần! Cũng xin nói thêm là ngôn ngữ sử dụng trong buổi hội thảo hoàn toàn là tiếng Anh, cộng thêm những trục trặc kỹ thuật khiến cử tọa không thu nhận được là bao phần thuyết trình của anh Vinh, vì vậy bài trình bày của Lân Nguyễn và Liên Trần mặc nhiên trở thành phần chính của buổi thuyết trình.

Phần phát biểu của cô Liên có dàn bài được phóng chiếu lên màn ảnh nên cũng dễ theo dõi. Diễn giả đã trình bày căn bản của vấn đề về các khía cạnh lịch sử, địa lý và các diễn biến thời sự gần đây. Phần phát biểu kế tiếp của Lân nhấn mạnh vào điểm: Chúng ta cần phải làm gì.

Trong phần trao đổi ý kiến, một số điểm đã được nêu lên và được đả thông, tóm lược như sau:

1. Về công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký năm 1958 chỉ là một bản công hàm mang tính xã giao, cho biết sẽ tôn trọng lãnh hải của nước CHND Trung Hoa. Đây không phải là công hàm thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là một văn kiện không có giá trị pháp lý về chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa. Thứ nhất: trong công hàm không thấy đề cập đến các hải đảo. Thứ hai: cả hai quần đảo này đều nằm dưới vĩ tuyến 17, vào năm 1958 vốn không thuộc chủ quyền của Việt Nam mà là dưới quyền cai quản của chế độ Mỹ-Diệm, và trước đó là thuộc quyền cai trị của thực dân trong thời Pháp thuộc. Do đó chính quyền Việt Nam không thể ký kết nhượng lại cho ai một vật mà họ không quản lý. Còn một vấn đề khác, theo hiến pháp và luật pháp Việt Nam từ năm 1946 thì lãnh thổ và lãnh hải là chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm, bất cứ một văn kiện nào dâng nhượng lãnh thổ đều là vi hiến và vi phạm luật pháp. Thực tế cũng cho thấy Trung Quốc rất ít khi đưa ra bản công hàm này ra trong các buổi đối thoại công khai với Việt Nam và các nước liên quan, vì công hàm này không chứng minh được chủ quyền của họ đối với 2 quần đảo này. Trung Quốc đầu tiên chỉ công bố công hàm này trên Internet vào năm 2001 để tung hỏa mù, gây hoang mang trong dư luận người Việt. Những người Việt chống Cộng vô tình hay hữu ý đã tiếp tay cho Trung Quốc tuyên bố chủ quyền mà họ ngụy biện rằng của họ.

2. Về trận hải chiến Trường Sa vào năm 1988, một sinh viên thắc mắc rằng: Nếu quả thật công hàm năm 1958 có ý nghĩa rằng Việt Nam thừa nhận Trường Sa là của Trung Quốc, thì tại sao năm 1988 Trung Quốc và Việt Nam lại giao tranh quyết liệt tại đây? Như vậy là mâu thuẫn, một chính quyền không thể vừa nhượng đất vừa giao tranh với kẻ đến chiếm đất. Kết luận được rút ra là: Sự kiện có trận hải chiến này càng cho thấy công hàm năm 1958 là vô giá trị về mặt pháp lý, không có ý nghĩa nhượng đất, và Trung Quốc đã diễn giải công hàm một cách xuyên tạc theo chủ ý của họ. Trường Sa đã liên tục thuộc chủ quyền của Việt Nam (triều Nguyễn), Pháp, Mỹ, rồi lại về tay Việt Nam mà không hề có sự hiện diện của Trung Quốc. Năm 1975 khi Việt Nam giành được hoàn toàn độc lập và thống nhất từ tay Mỹ, Trường Sa được giải phóng và chuyển qua quyền quản lý của chính quyền Hà Nội, liên tục cho tới năm 1988 mới có chuyện một hòn đảo ở đây bị hải quân Trung Quốc xâm lấn và chiếm đóng bất hợp pháp.

2. Người Việt Nam nói riêng và nhân dân thế giới yêu chuộng hòa bình nói chung phải góp tiếng nói với chính quyền Trung Quốc và với công luận quốc tế về tình trạng khủng bố ngư dân Việt Nam ở Biển Đông. Sự kiện nhiều ngư dân bị hải quân Trung Quốc bắt bớ, có người bị chết, có người bị mất tích đã chứng tỏ ngư dân Việt Nam đang là nạn nhân của sự hiếu chiến của hải quân Trung Quốc.

Đính kèm là bản liệt kê các vụ khủng bố của hải quân Trung Quốc nhằm vào ngư dân Việt Nam trên Biển Đông: (Thông tin do một số sinh viên đưa ra)

· 12/2004: Bắt 80 ngư dân.

· 8/1/2005: Bắn chết 9 ngư dân, bắn bị thương 8 và bắt cóc thủy thủ đoàn còn lại mang về đảo Hải Nam, TQ.

· 1/2007: Cướp 5 ngư thuyền và bắt 60 ngư dân.

· 26/6/2007: Bắn bị thương 5 ngư dân khi họ đang trú bão tại đảo Hoàng Sa.

· 21/8/2007: Bắt 28 ngư dân tại Trường Sa.

· 15/1/2008: Đâm chìm 1 ngư thuyền và giết 10 ngư dân.

Trung Quốc cáo buộc các ngư dân Việt Nam đã “xâm phạm trái phép chủ quyền lãnh hải” của họ.

3. Trong cuộc tranh đấu bảo vệ chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa, tuổi trẻ Việt Nam ở hải ngoại có vai trò chính về việc tuyên truyền sâu rộng chủ quyền biển đảo của Việt Nam ra ngoài thế giới, vận động bạn bè quốc tế cùng tham gia phong trào chống Trung Quốc bành trướng. Phải có những hành động thực tế lan rộng đến những trang web bạn, những blogs nước ngoài, những diễn đàn ngôn ngữ ngoại quốc, nhất là tiếng Anh và tiếng Trung. Không thể chỉ ngồi ở diễn đàn nhà và "chửi" Trung Quốc một cách vô thưởng vô phạt, ta chửi ta nghe. Vì vậy mà mọi cuộc tranh đấu bảo vệ chủ quyền Việt Nam phải tìm cách làm sao có được sự tham gia của đông đảo tầng lớp, trong nước đoàn kết với hải ngoại, có một nỗ lực tổng hợp dưới sự điều phối của chính phủ Việt Nam. Hạn chế tình hình “mạnh ai nấy làm”, kinh nghiệm lịch sử thời Pháp thuộc đã cho chúng ta thấy “mạnh ai nấy làm” thì sẽ không bao giờ thành công được. Đoàn kết là sức mạnh, chia rẽ là tất bại. Vì vậy trước tình hình này càng phải củng cố khối Đại Đoàn Kết Toàn Dân Tộc, hỗ trợ và quảng bá Nghị quyết 36. Đồng thời góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước, phát triển kinh tế Việt Nam, thực tế cho thấy chỉ khi nào kinh tế mạnh, quân sự mạnh thì người ta mới xem trọng mình và thuận lợi cho việc đàm phán.

4. Cuộc thảo luận trở nên vô cùng sôi động khi mọi người bàn về thái độ cần có đối với Trung Quốc, nhất là trong dịp đuốc Olympic được rước qua San Francisco. Trong cuộc thảo luận này, có một số thành phần chống phá Việt Nam đã trà trộn vào và kích động xúi giục rằng biểu tình phản đối phải nhắm vào chính phủ Việt Nam là chính. Quan điểm này đều bị các sinh viên bác bỏ. Một ý kiến khác cũng bị bác bỏ, vì bị cho là không thực tế, phản tác dụng, là ý kiến phải trương lá cờ ba sọc của chế độ Sài Gòn cũ trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc và sẽ tìm cách thuyết phục các du học sinh chấp nhận tham gia biểu tình dưới lá cờ này.

Trong mục tiêu góp phần vào việc bảo vệ chủ quyền Việt Nam bằng những việc làm trong khả năng của thanh niên hải ngoại, chủ trương nhấn mạnh vào khía cạnh nhân đạo để lên án Trung Quốc sát hại ngư dân Việt Nam và tranh đấu chấm dứt hành động tàn ác này đã được đa số tán thành vì có tác dụng nhiều mặt. Đây là việc làm vừa dễ tranh thủ sự cảm thông, đồng tình của thế giới, vừa giúp ích trực tiếp cho người Việt Nam mà cũng là tranh đấu bảo vệ chủ quyền dân tộc tại Biển Đông.

Vấn đề có nên mang cờ ba sọc hay không trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở California của anh em sinh viên không hiểu sao lại được một số người cố ý đem trở lại, sau đó việc này được bàn luận trong sự cân nhắc với nhiều ưu tư giữa hai nhu cầu:

- Làm sao để các du học sinh có thể yên tâm tham dự biểu tình chống Trung Quốc.

- Làm sao ban tổ chức không bị quy chụp là thân cộng rồi bị chính những người chống Cộng phá hoại cuộc biểu tình.

Sau cùng, một bạn trẻ đã mạnh dạn xác định dứt khoát về vấn đề “lá cờ”, câu trả lời là “Không”(!). Từ nay ban tổ chức và những người tham gia biểu tình chống Trung Quốc ở hải ngoại sẽ không mang theo bất cứ lá cờ nào cả, sinh viên đó lập luận như sau:

"Tôi không chấp nhận sự xuất hiện của lá cờ vàng ba sọc trong các cuộc biểu tình vì nó làm hạ thấp giá trị uy tín của đoàn biểu tình. Đây là lá cờ chỉ đại diện cho một vài cộng đồng người Việt tỵ nạn ở hải ngoại chứ không đại diện cho tất cả, và nhất là lá cờ này không đại diện cho quốc gia hay chính thể nào cả. Ai thích lá cờ đó thì hãy giữ nó trong nhà, đó là quyền tự do cá nhân của họ. Về lá quốc kỳ Việt Nam nền đỏ sao vàng, đây là lá cờ tôi tôn trọng, nhất là sau khi Việt Nam và Mỹ đã bang giao với nhau, nhưng trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, tôi đặc biệt cần sự tham gia của đông đảo đồng hương tại hải ngoại, mặc dù đây là quốc kỳ chính thức của nước Việt Nam trong cộng đồng thế giới, tôi không đem theo lá cờ đó để bớt đi một cái cớ những kẻ bảo thủ, chống Cộng cực đoan chửi bới, chống đối, dèm pha, thậm chí có thể chủ động phá hoại."

Để đoàn người Việt Nam này có một biểu tượng thống nhất, chúng tôi không dùng lá cờ, mà biểu tượng đoàn kết của chúng tôi là Trống Đồng Âu Lạc - Việt Nam.


Đây là một biểu tượng mà tất cả mọi người mang dòng máu Lạc Hồng đều có thể chấp nhận.

Đến đây cuộc hội thảo về Hoàng Sa và Trường Sa tại Berkeley khép lại. Những thanh niên, thiếu nữ này đã mang lại cho người viết niềm tin và hy vọng, tự hào ở thế hệ trẻ kiều bào hải ngoại. Trong hàng ngũ của họ, có những bạn sinh ra ở Mỹ, không nói được tiếng Việt hoặc nói tiếng mẹ đẻ rất... bập bẹ. Trong đó cũng có những bạn mang rõ ngoại hình của một thanh niên mới qua Mỹ không lâu, không rõ là du học sinh hay qua đây theo diện nào khác, nhưng nhìn chung thì tất cả đều tha thiết với việc bảo vệ chủ quyền dân tộc.

Berkeley tuy cách xa quê hương Việt Nam vạn dặm nhưng hình như con người Việt Nam có thể rời xa quê hương nhưng không thể nào lấy tinh thần dân tộc ra khỏi mỗi người Việt Nam. Những người trước đây lầm đường lạc lối cũng dần trở về với hàng ngũ dân tộc. Đó là lý do ngày xưa quân đội viễn chinh Pháp / Mỹ hùng mạnh như vậy mà còn phải thúc thủ trước sức đề kháng của cha anh chúng ta. Quân Giải Phóng Trung Quốc cũng bị quân đội ta đánh bật ra khỏi 6 tỉnh biên giới phía bắc năm 1979. Trung Quốc ngày nay dù vô cùng lớn mạnh, là một siêu cường hàng đầu thế giới, nhưng một ngày nào đó họ nhất định phải bước ra khỏi Hoàng Sa và một phần Trường Sa của chúng ta.

Giấc mộng bành trướng và bá chủ biển Đông của Trung Quốc sẽ mãi mãi chỉ là giấc mơ khi người Việt Nam chúng ta đồng lòng đoàn kết đối phó.

H.T.S.